Thực hư tin đồn Hy Lạp rao bán đảo

Thế nhưng, những gì đang diễn ra với nền kinh tế của xứ sở Thần thoại lại biến "câu chuyện khó tin" trở nên có lý dù Athens đã lớn tiếng bác bỏ thông tin này.

Theo nhật báo hàng đầu nước Anh, Hy Lạp buộc phải sử dụng đến biện pháp bất đắc dĩ nói trên sau khi phải vay khẩn cấp 110 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng trước. Đây là hậu quả của một thập kỷ tiêu xài xả láng và phung phí khiến Hy Lạp ngập trong núi nợ công và mối lo ngại của các nhà đầu tư khiến lãi suất vay tăng cao lên mức vượt quá sức chịu đựng của nước này.  Việc bán hoặc cho thuê dài hạn một vài hòn đảo đẹp nhất trong tổng số khoảng 6.000 hòn đảo ở Hy Lạp như Mykonos, Rhodes hay Nafsika  sẽ  giúp bổ sung một khoản đáng kể vào ngân sách đang cạn kiệt. Ngoài ra, việc bán hay cho thuê dài hạn một số đảo về lâu dài còn phát triển được cơ sở hạ tầng và cũng tạo ra công ăn việc làm, thu nhập trả thuế. Có nguồn tin còn cho biết giá của mỗi hòn đảo được bán từ 2-15 triệu euro. Các nhà đầu tư tiềm năng đang "nhòm ngó" những hòn đảo thơ mộng của Hy Lạp hầu hết đến từ Nga và Trung Quốc. Các tỷ phú của hai quốc gia này đang tìm kiếm một địa chỉ du ngoạn ở Địa Trung Hải để phục vụ lớp người có tiền ngày càng đông. Tỷ phú Nga Roman Abramovich được cho là một trong những người "để mắt" tới cơ hội này. Chưa hết, tờ Người bảo vệ còn cho rằng, ngoài việc bán đảo, Chính phủ Hy Lạp cũng đang dự tính sẽ bán một số công ty đường sắt và cung cấp nước.

Thực hư tin đồn Hy Lạp rao bán đảo ảnh 1

Đảo Mykonos bị đồn nằm trong danh sách bán của Hy Lạp

Hiện tại, Hy Lạp đang chuẩn bị cho việc trở lại thị trường tài chính vào tháng tới với kế hoạch phát hành khoảng 4 tỷ euro trái phiếu. Đây là nỗ lực vay mượn lầu đầu tiên của Athens kể từ sau khi nước này nhận được gói cứu trợ của EU và IMF hồi tháng trước. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cảnh báo rằng hành động trên của Hy Lạp chẳng khác nào việc đánh bạc nếu như trái phiếu phát hành trở nên ế ẩm và ảnh hưởng xấu tới tâm lý của giới đầu tư. Thử thách lớn đối với quốc gia có khoản nợ lên tới hơn 400 tỷ USD  là làm thế nào để Hy lạp có thể trả lãi suất cao nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lúc mức độ tín nhiệm tín dụng tại đây đang cận kề với mức "rác".

Trong khi đó, những bất ổn xã hội ở đất nước bên bờ biển Địa Trung Hải này ngày càng gia tăng. Ngày 30-6, Hy Lạp gần như tê liệt vì phải hứng chịu một cuộc tổng bãi công và biểu tình trên toàn lãnh thổ để phản đối dự luật của Chính phủ về các biện pháp cải cách tiền lương và lao động. Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã trở thành chuyện thường ngày.

Vì thế, dù Chính phủ Hy Lạp luôn khẳng định sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng niềm tin của các nhà đầu tư đối với Hy Lạp rất mong manh và bất kỳ thông tin xấu nào về quốc gia này đều có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới. Dù người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp George Petalotis đã chính thức gửi thư phản đối đến Người bảo vệ song những gì thời báo này đã đăng tải vẫn khiến dư luận "bán tín, bán nghi".

Theo Quỳnh Chi (HNM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm