Tiết lộ mới nhất của "chuyên gia săn gián điệp" tại MI-5

Trong đó đáng chú ý có thái độ tắc trách của nhiều quan chức trong việc để lọt nhiều điệp viên nội gián xâm nhập sâu vào ngay trong cơ quan của mình.

Từ 30 năm qua, Stephen De Mowbray - người được đánh giá là một chuyên gia săn gián điệp (spycacher) - tại Cơ quan Mật vụ Anh MI-5 luôn giữ nguyên tắc im lặng về những  bí mật gây tranh cãi trong nội bộ cơ quan này.

Tiết lộ mới nhất của "chuyên gia săn gián điệp" tại MI-5 ảnh 1

Stephen De Mowbray khi mới gia nhập cơ quan mật vụ Anh sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Stephen De Mowbray trong cuốn sách mới của mình cho biết, ông ta đã rời bỏ MI-5 vào năm 1979 sau khi tin rằng, các quan chức lãnh đạo cơ quan này đã phạm những sai lầm nghiêm trọng để không ít điệp viên của KGB xâm nhập sâu vào nội bộ cơ quan. Một loạt điệp viên nội gián bị phát hiện vào những năm 60, theo Mowbray, chỉ là một phần trong số những "chuột chũi" trong MI-5. Có điều không có quan chức hàng đầu nào của MI-5 chịu lắng nghe và tin tưởng ý kiến của ông ta.

"Những khuynh hướng hoang tưởng"

Trong cuốn sách, De Mowbray cho biết những phản ánh của mình cùng với hai đồng nghiệp khác là Peter Wright và Arthur Martin đã bị đánh giá là "những khuynh hướng hoang tưởng". Cụ thể như Giám đốc MI-5 vào thời điểm khi nhận xét về công việc của nhóm nhân viên trên đã từng đánh giá: "Liên quan đến những vụ điều tra phản gián đã tạo ra một vài hình thức hoang tưởng khác nhau". 

De Mowbray gia nhập MI-5 ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và đến những năm 60 được giao vai trò điều tra trong lĩnh vực phản gián chống lại các hoạt động của KGB. Chính phủ Anh vào thời điểm đó đang bị chấn động trước những vụ bê bối liên quan đến một số cá nhân được phát hiện đã bí mật hợp tác với đối phương.

Đáng chú ý, De Mowbray từng đảm trách trường hợp của viên sĩ quan KGB Anatoliy Golitsyn, kẻ đã đào tẩu vào năm 1961, và hiện vẫn được đánh giá là một nhân vật có nhiều mâu thuẫn trong lịch sử đối đầu tình báo Đông-Tây. Theo De Mowbray,  Golitsyn đã cung cấp nhiều đầu mối quan trọng cho thấy, vẫn còn có nhiều tay phản bội khác trong hàng ngũ các chính quyền ở phương Tây, kể cả trong các cơ quan tình báo. Tuy nhiên, tất cả những báo cáo trên của De Mowbray, cũng như của hai sĩ quan MI-5 khác là Arthur Martin và Peter Wright đều bị đánh giá là "thổi phồng quá mức".

Chiến dịch kiểm tra nội bộ

Martin là người trực tiếp điều hành một mạng lưới các điệp viên chuyên chống lại Cơ quan Tình báo Xôviết, nhưng hầu hết các chiến dịch này đều không có được hiệu quả mong muốn. Còn Peter Wright phụ trách hệ thống thiết bị nghe trộm được gắn vào các tòa nhà cơ quan đại diện của Liên Xô cũ tại khắp nơi trên thế giới, về cơ bản cũng không thu thập được những thông tin tình báo đáng kể. Tất cả những hoạt động trên chỉ có một vài quan chức hàng đầu của MI-5 nắm được.

Ngoài những nhân vật đã nói ở trên, còn có một số quan chức cao cấp nữa của MI-5 qua những lời khai của Golitsyn đều tin rằng, đang có một "con chuột chũi" nằm trong số những lãnh đạo cao nhất của cơ quan này - đó có thể là nhân vật số hai Graham Mitchell của MI-5, hay thậm chí cả ông chủ Roger Hollis.

Thế là một chiến dịch điều tra theo dõi những nhân vật hàng đầu này đã được triển khai ngay sau đó. Trong một cuốn sách về lịch sử MI-5, tác giả Christopher Andrew đã mô tả những hoạt động điều tra đối với Hollis và Mitchell là "những tình tiết đau buồn nhất trong lịch sử Chiến tranh lạnh của åMI-5". Mitchell là đối tượng bị điều tra đầu tiên với các biện pháp nghiệp vụ như nghe trộm điện thoại, cung cấp thông tin giả, theo dõi thường xuyên... "Chúng tôi đã bám theo Mitchell chặt chẽ ở khắp mọi nơi, đặc biệt  khi ông ta rời nơi làm việc, cả từng bước đi của ông ấy ở Waterloo khi trở về nhà" - De Mowbray nhớ lại. Ngay cả sau khi đã về hưu, Mitchell vẫn tiếp tục bị theo dõi.

Chiến dịch tung hỏa mù của KGB?

Năm 1964, De Mowbray được cử tới Washington, nơi ông ta có cơ hội làm việc gần gũi hơn với Golitsyn và cả quan chức tin tưởng anh ta nhất tại CIA là James Jesus Angleton. Bản thân Angleton cũng bị thuyết phục qua những lời khai của Golitsyn rằng, KGB đã triển khai được một mạng lưới điệp viên nội gián rất sâu rộng tại các cơ quan hàng đầu của phương Tây. Cũng vì niềm tin này và một loạt hoạt động điều tra gây xáo trộn sau đó, Angleton cuối cùng đã bị sa thải khỏi CIA.

Trong giới lãnh đạo MI-5 khi đó, Golitsyn được xếp vào loại "đối tượng đáng ngờ" bởi những "khuynh hướng mang tính hoang tưởng thái quá". Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, Golitsyn chính là một con bài của KGB trong chiến dịch tung hỏa mù nhằm gây bất ổn trong hàng ngũ các cơ quan mật vụ phương Tây. Riêng De Mowbray vẫn không đồng ý với nhận định trên, thậm chí còn đòi mời Golitsyn sang tận Anh để tham gia trực tiếp các hoạt động điều tra với hy vọng lần ra những đầu mối thực sự.

Nhưng tương tự như số phận của Angleton tại CIA, De Mowbray cuối cùng đã bị loại khỏi hoạt động điều tra, thậm chí không còn được tham gia công tác phản gián trước đây của mình. Thất vọng trước thực tế này, Mowbray đã nộp đơn xin về nghỉ sớm. Ban đầu, ông ta tới Mỹ cộng tác với Golitsyn viết hồi ký và một cuốn sách về Liên Xô cũ. Trong thâm tâm và cả những phát biểu của mình, De Mowbray vẫn tin còn những bức màn bí mật chưa thể vén lên về những vụ xâm nhập táo bạo của KGB vào hàng ngũ lãnh đạo MI-5.

Theo Thái Quân (ANTG/BBC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm