Tính đa cực ở biển Đông và tầm quan trọng của COC

TS Hooman Peimani ở Viện Nghiên cứu năng lượng (ĐH quốc gia Singapore) nhận định như trên trong bài viết trên báo Bưu Điện Hoa Nam (Hong Kong) ngày 11-12.

Ông cho rằng đây là tin không vui đối với Trung Quốc bởi Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn Mỹ tác động sâu vào cán cân quyền lực trong khu vực và không muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Trong khi đó, theo báo Straits Times(Singapore), ngày 10-12, khi được hỏi về phản ứng trước tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ủng hộ Nhật tái vũ trang để đối trọng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tuyên bố ông tin rằng sẽ không có bên nào tạo ra mối đe dọa rõ ràng ở biển Đông.

Theo ông, bất kỳ nước nào ở biển Đông cũng nhận thức được rằng hàng chục thập niên hòa bình và ổn định đã mang lại phần thưởng thịnh vượng và phát triển trong khu vực. Dù vậy, ông cũng cảnh báo tình trạng căng thẳng ở biển Đông có thể dẫn đến hiểu lầm và có thể xảy ra các phản ứng đáp trả theo kiểu ăn miếng trả miếng. Ông dự báo tình trạng căng thẳng ở biển Đông có thể sẽ vẫn tiếp tục kéo dài sang năm sau.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ghi nhận trong thời gian vừa qua, tình hình chuyển giao quyền lực đã diễn ra ở nhiều nước như Mỹ (Obama tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống thứ hai) và Trung Quốc (Tập Cận Bình giữ cương vị tổng bí thư) và sắp đến là bầu cử ở Nhật và Hàn Quốc. Tình hình này sẽ dẫn đến nhiều chuyển biến trong quan hệ giữa các nước này và các nước có liên quan.

Vì vậy, ông cho rằng hơn bao giờ hết, ASEAN và Trung Quốc cần phải thiết lập một nguyên tắc, một bộ quy tắc ứng xử có thể giải quyết vấn đề quyền lợi chung ở biển Đông.

Ông nhận thấy khi bàn đến việc thảo luận về thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), một số bên tranh chấp ở biển Đông đã có một số động thái phủ đầu trên bộ và trên biển (ám chỉ đến Trung Quốc), tuy nhiên ông vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của khu vực.

Hiệu trưởng Trường Chính trị xã hội thuộc ĐH Pelita Harapan (Indonesia) Aleksius Jemadu nhận định thuyết phục Trung Quốc cam kết về một quy tắc ứng xử ở biển Đông không phải là điều dễ dàng bởi Trung Quốc đang muốn kiểm soát lợi ích chiến lược (dầu khí) và giành chủ quyền ở phần lớn biển Đông. Vả lại Trung Quốc bây giờ mang tâm lý tự hào là cường quốc và không muốn bị các cường quốc khác ức hiếp như trước nữa.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm