Toàn cảnh Ai Cập thời hậu Mubarak

Quân đội cầm quyền 6 tháng

Sau khi ông Hosni Mubarak tuyên bố từ chức, Hội đồng tối cao quân đội do đô đốc Mohamad Hussein Tantawi đứng đầu đã tiếp quản quyền điều hành đất nước. Một trong những động thái đầu tiên của các tướng lĩnh là trấn an cộng đồng thế giới bằng tuyên bố duy trì tất cả hiệp ước quốc tế mà nước này ký kết, gồm hiệp ước hoà bình lịch sử ký với Israel năm 1979.

Toàn cảnh Ai Cập thời hậu Mubarak ảnh 1
Chân dung ông Mubarak đang được hạ xuống tại các công sở Ai Cập. Ảnh: AP

Hội đồng tướng lĩnh cầm quyền tại Ai Cập cũng tuyên bố sẽ điều hành đất nước trong 6 tháng cho tới khi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội để bầu ra một chính phủ dân sự. Bước đi tiếp theo là họ cho giải tán quốc hội và tạm đình chỉ hiến pháp, đáp ứng hai trong số những yêu cầu quan trọng nhất của người biểu tình.

Một trong những điều khoản hiến pháp khiến người biểu tình phản đối là việc xác lập quyền lãnh đạo cho đảng cầm quyền NDP của ông Mubarak. Theo đó các đảng phái độc lập khác hầu như không có cơ hội nào thách thức NDP. Việc ông Mubarak ra đi cũng đồng nghĩa với việc hiến pháp Ai Cập không còn giá trị và sự kiện Hội đồng tối cao quân đội ra quyết định đình chỉ chỉ mang tính hợp thức hoá.

Hội đồng Tối cao quân đội cũng sẽ chịu trách nhiệm ra các sắc lệnh và đạo luật tại Ai Cập trong thời gian họ tạm nắm quyền. Họ cũng sẽ lập ra một uỷ ban để cải cách hiến pháp và xây dựng các nguyên tắc cho một cuộc trưng cầu dân ý. Bên cạnh đó, hội đồng còn chịu trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Nội các của Thủ tướng Ahmed Shafig sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi nội các mới ra đời.

Những bước đi trên được coi là một đột phá trong bối cảnh Ai Cập vẫn chưa trở lại bình thường sau khi ông Mubarak ra đi và người biểu tình chưa ngừng hoạt động của họ vì muốn chính quyền quân sự phải có lộ trình cụ thể trong việc chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự.

Người biểu tình chưa về nhà

Sau khi ăn mừng Mubarak ra đi, nhiều người biểu tình vẫn nán lại quảng trường Tahrir và quân đội phải điều binh tới giải tán. Chiến dịch bắt đầu từ đêm thứ bảy khi các sĩ quan mặc thường phục tới thuyết phục người biểu tình về nhà. Sang sáng hôm sau, lực lượng quân cảnh tới dẹp bỏ lều bạt, đẩy người biểu tình ra khỏi các con đường bao quanh quảng trường để xe cộ lưu thông trở lại.

Người biểu tình cho rằng quân đội đã dùng vũ lực với họ và một số bị bắt. Họ giải thích lý do họ chưa về nhà vì muốn đảm bảo chính quyền quân sự sẽ thực hiện các cam kết về dân chủ. Trong khi đó, lãnh đạo phe biểu tình và những chính trị gia đối lập khác đang có chia rẽ về việc họ nên tin tưởng quân đội đến mức độ nào.

Abdelmoneim Emam, phát ngôn viên nhóm Lãnh đạo Trẻ có quan hệ gần gũi với ông Mohamed ElBaradei, cựu trưởng đoàn thanh sát hạt nhân Liên Hợp Quốc và là gương mặt đối lập nổi bật tại Ai Cập, nói với Telegraph: "Chúng tôi tin tưởng quân đội và kêu gọi mọi người cho họ cơ hội để thực hiện những gì đã hứa".

Toàn cảnh Ai Cập thời hậu Mubarak ảnh 2
Đô đốc Tantawi tiếp xúc với người biểu tình. Ảnh: AFP

Quân đội Ai Cập thì cho biết họ đang quan tâm đến việc khởi động lại nền kinh tế vốn đang phát triển nhanh những năm gần đây bất chấp khủng hoảng tài chính quốc tế. Kinh tế nước này tạm chững lại trong thời gian xảy ra biểu tình và ước tính chịu thiệt hại gần 30 tỷ USD vì biến cố chính trị. Du lịch chiếm 11% GPD của Ai Cập là ngành chịu thiệt hại nặng nhất do biểu tình.

Tân lãnh đạo Ai Cập

Hội đồng tối cao quân đội đang nắm quyền điều hành Ai Cập thông qua các thông cáo được đánh số. Trong "Thông cáo số 5", hội đồng đã tự xác lập quyền lực gần như không giới hạn và xác nhận đô đốc Mohamad Hussein Tantawi là quyền nguyên thủ Ai Cập.

Sinh năm 1935, đô đốc Tantawi không phải là gương mặt mới mẻ trong ban lãnh đạo nước này. Ông từ lâu là người thân tín của cựu tổng thống Mubarak, được bổ nhiệm giữ chức phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng. Cũng giống như tất cả các tổng thống tại Ai Cập kể từ năm 1952 đến nay, ông Tantawi có một lý lịch quân sự rất mạnh.

Ông bắt đầu là lính bộ binh năm 1956, sau đó theo học thạc sĩ về khoa học quân sự. Đô đốc này từng góp mặt trong cuộc chiến liên quan đến khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 và hai cuộc chiến với người Israel năm 1967 và 1973. Năm 1991, sau khi Iraq đánh chiếm Kuwait, ông tham gia liên quân trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất.

Tantawi tham gia chính phủ Ai Cập với tư cách bộ trưởng quốc phòng từ năm 1991 và trở thành tổng tư lệnh lực lượng vũ trang năm 1995. Đô đốc này cũng từng được coi là ứng viên tiềm năng chạy đua ghế tổng thống, nhưng nhiều người cho rằng tuổi tác và tình trạng sức khoẻ kém đã ngăn cản ông. Ngoài ra ông còn bị đánh giá là thiếu tham vọng chính trị cũng như sự ủng hộ đầy đủ trong quân đội.

Quân đội Ai Cập được người dân đánh giá cao vì đã để cho biểu tình lớn nổ ra mà không sử dụng vũ lực. Điều này có thể giúp đô đốc Tantawi có được mối quan hệ tốt đẹp với người dân khi tạm tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên lợi thế nay có thể chấm dứt nếu ông không thực hiện được những thay đổi dân chủ và lập ra chính quyền dân sự như người biểu tình kỳ vọng.

Kiểm đếm báu vật bị mất

Tổng thống Mubarak từ chức cũng là lúc tiến hành thống kê những báu vật trong Bảo tàng Ai Cập bị cướp phá khi xảy ra biểu tình. Đây được coi là sự kiện ảnh hưởng lâu dài đến uy tín quốc tế của Ai Cập. Toà nhà lưu trữ những báu vật của cả nhân loại này nằm cách không xa quảng trường Tahrir Cairo, trung tâm của cuộc biểu tình.

Toàn cảnh Ai Cập thời hậu Mubarak ảnh 3
Hai trong số các báu vật bị đánh cắp gồm tượng pharaoh Akhenaten (trái) và tượng vua Tutankhamun đi đâm cá. Ảnh: AP

Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass xác nhận có 18 món trong bảo tàng đã bị đánh cắp trong vụ đột nhập ngày 28/1, gồm bức tượng gỗ mạ vàng một nữ thần đang đội trên tay vua trẻ Tutankhamun, tượng gỗ vị vua này đi săn cá và tượng đá vôi pharaoh Akhenaten. Chính quyền đang mở cuộc điều tra hình sự để thu hồi số cổ vật bị đánh cắp vào thời điểm Cairo đang hỗn loạn khi cảnh sát rút lui.

Ngoài mất mát trên, văn phòng của nhà khảo cổ Hawass cũng xác nhận có 70 cổ vật khác bị đổ hoặc hư hại khi các tủ trưng bày trong bảo tàng bị đập phá. Ngay sau vụ trộm lợi dụng đột kích bảo tàng, quân đội Ai Cập đã được điều tới bảo vệ toà nhà này, trong khi cả giám đốc lẫn các nhân viên bảo tàng đều ngủ lại cơ quan để giữ cổ vật.

Theo Đình Nguyễn (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm