NGUYÊN BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ CŨ, YEGOR LIGACHEV NÓI VỀ NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI TAN RÃ LIÊN XÔ:

Tội đồ chính là Gorbachev

Nói như cách của đương kim Thủ tướng Nga Vladimir Putin về sau nhận định, đã xảy ra một thảm họa địa chính trị lớn hàng đầu trong thế kỷ XX.

Ông Yegor Ligachev, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cũ, một trong những nhân vật hàng đầu đã khởi xướng công cuộc cải tổ (perestroika), đã trả lời phỏng vấn báo Komsomolskaya Pravda của Nga.

- PV: Mùa xuân năm 1985, khi các ông khởi xướng ra công cuộc cải tổ, các ông có hình dung được rằng, chỉ sau 6 năm nó đã kết thúc bằng thủ tiêu Liên bang Xôviết hay không?

- Ông Ligachev: Tất nhiên là không! Perestroika đã được nghĩ ra không phải để phá hủy mà là để gìn giữ, cải thiện chính thể Xôviết.

- PV: Như hiện nay ở Trung Quốc?

- Ông Ligachev: Đúng thế.

Không chuẩn bị cho thị trường

- PV: Có người nói rằng, chính thảm họa Chernobyl, xảy ra vào mùa xuân năm sau (1986), đã làm hại perestroika. Làm cho nền kinh tế đất nước không thể gượng dậy được.

- Ông Ligachev: Tất nhiên, những chi phí để giải quyết hậu quả của thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vô  cùng to lớn, giống như chi phí của người Nhật bây giờ sau thảm họa Fukushima. Các bạn thấy không, thảm kịch tại các nhà máy điện hạt nhân xảy ra cả trong chế độ xã hội chủ nghĩa lẫn chế độ tư bản chủ nghĩa. Tôi đã tới Chernobyl ngay vào những ngày đầu tiên sau khi thảm họa xảy ra, cùng ông Nikolai Ryzhkov (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đưa ra các biện pháp xử lý hậu quả của thảm họa.

Nhưng chúng tôi cũng đã tìm ra đủ nguồn lực để hoàn thành mọi chỉ tiêu  trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12. Vì thế, tôi không thể cho rằng Chernobyl đã làm suy sụp nền kinh tế Liên Xô. Sự suy thoái kinh tế đã chỉ bắt đầu vào năm 1989 và đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong những năm 1990 - 1991. Khi đó thì lại do những yếu tố khác gây nên.

- PV: Những yếu tố nào vậy?

- Ông Ligachev: Việc phá hủy khởi nguồn kế hoạch trong nền kinh tế. Đã có  động thái chuyển toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia khổng lồ sang cơ chế thị trường khi mà không hề có bất cứ một sự chuẩn bị trước nào.

Cuối năm 1987, Bộ Chính trị đã thảo luận kế hoạch cho năm 1988. Quyết định cho phép các nhà máy bán một  phần nhất định các sản phẩm của mình theo giá tự do. Phần còn lại phải bán theo giá nhà nước. Hội đồng Bộ trưởng đưa ra đề nghị: để bắt đầu thì cho bán theo giá tự do 5% lượng sản phẩm. Thế nhưng, Gorbachev và đặc biệt là Yakovlev (Aleksandr Yakovlev, lúc đó là Bí thư Trung ương Đảng) và Medvedev (Vadim Medvedev, cũng là Bí thư Trung ương) đã phản đối kịch liệt. Họ bảo, cho bán ngay 30 - 40% chứ việc gì phải chờ đợi? Họ bảo, cần phải chuyển ngay sang cơ chế thị trường, đó là phát tài, đó là tiến bộ!

Thế nhưng, rốt cục lại là rối loạn, hỗn độn, suy giảm và tan vỡ nền kinh tế và quốc gia nói chung. Vì sao các thợ mỏ lại bắt đầu bãi công khi đó? Vì mọi thứ cần thiết cho sản xuất như dây chuyền, máy xúc... họ đều phải mua theo giá tự do. Rất đắt! Còn sản phẩm làm ra thì họ lại phải bán theo giá thấp như cũ. Và thế là họ bị lỗ, lương bị giảm. Điều này tác động rất mạnh tới thợ mỏ và họ tràn vào trung tâm Moskva phản đối.

Làm suy giảm nền kinh tế theo kế hoạch - đó mới chỉ là cú đánh đầu tiên. Cú đánh thứ hai - phá hủy một cách thô bạo mối tương quan giữa năng suất lao động với tiền lương, làm suy giảm thị trường hàng tiêu dùng. Trong những năm 1989 - 1990, mức lương đã tăng khoảng từ 8 tới 12%, trong khi năng suất lao động chỉ tăng từ  2 tới 4%. Hiển hiện rõ sự không tương xứng giữa lượng tiền và lượng hàng hóa.

Cuối năm 1988, tôi tới gặp Gorbachev: "Xin chúc mừng năm mới! Nhưng đồng chí có hiểu không, đang có tới 40 tỉ rúp tự do trong nước!". Ông ấy im lặng một hồi: "Phải, thực là tai họa!". Thế nhưng, sang năm 1990 đã có tới 100 tỉ rúp không thể thanh toán được. Năm 1991 - con số này lên tới gần 200 tỉ. Dù rằng trước kia, mức chênh lệch tối đa giữa hàng hóa và tiền tệ chỉ tối đa là ở mức 10 tỉ! Các cửa hàng sạch nhẵn như chùi. Mọi sự đều bị vô tổ chức. Bắt đầu từ sự rối loạn của thị trường hàng tiêu dùng, rồi trong lĩnh vực sản xuất, tiếp theo là cả trong quản lý nhà nước. Đấy, chính từ lúc đấy chứ không phải do ảnh hưởng của Chernobyl mà bắt đầu quá trình tự hủy của nền kinh tế Liên bang Xôviết.

Tội đồ chính là Gorbachev ảnh 1

Từ trái qua: Gorbachev, Ryzhkov và Ligachev khi mới bắt đầu cải tổ.


Cướp đoạt của công!

- PV: Vụ nổ ở Chernobyl, như ông từng nói trước đây, không phải là một âm mưu phá hoại của phương Tây, dù rằng đã  có những tin đồn như thế. Nhưng cái tình trạng hỗn loạn như thế trong kinh tế thì có phải là sự phá hoại cố tình hay vì sự không hiểu biết tình hình của những nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó?

- Ông Ligachev: Đó là do ham muốn tiến hành những cải cách thị trường, phá hoại những căn bản của thể chế Xôviết. Tôi xin nhắc lại, chúng tôi đã khởi xướng perestroika theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để hoàn thiện hơn thể chế Xôviết. Đấy cũng chính là điều mà Gorbachev đã tuyên bố trong những năm đầu tiên của cải tổ. Thế nhưng, khi ông ta bị Yeltsin trục xuất ra khỏi Điện Kremli thì ông ta lại bảo rằng, thể chế Xôviết không thể nào cải tổ được, nó cần bị phá đi và thay bằng một thể chế tư bản chủ nghĩa mới. Đã có hai quan điểm.

Quan điểm thứ nhất: thể chế có thể được cải tổ và điều này từng được chứng minh bằng chính sách Tân Kinh tế (những năm 20 của thế kỷ trước), bằng công cuộc công nghiệp hóa, tập thể hóa, bằng bước chuyển sang nền kinh tế hòa bình… Và nói cho cùng, bằng cả kinh nghiệm hiện nay của Trung Quốc. Việc này liên quan tới sự hoàn thiện công tác quản lý, cơ cấu sản xuất… Còn quan điểm thứ hai - không, nó không thể cải tổ được, nó cần bị xóa bỏ. Thật đáng tiếc là quan điểm thứ hai đã thắng thế. Và đã dẫn tới cái gì? Dẫn tới việc cướp đoạt của công vào tay tư nhân. Đấy chính là động cơ đã thúc đẩy những kẻ phá hủy Liên bang Xôviết, những nhà lãnh đạo đã phản bội lại đất nước và nhân dân. Họ đã thèm khát cơ chế sở hữu tư nhân. Họ đều trở thành những ông bà chủ lớn. Những triệu phú hoặc những tỉ phú.

- PV: Vì sao các ông đã không thể loại bỏ Gorbachev? Trong những năm đầu của công cuộc cải tổ, chẳng gì thì ông cũng là nhân vật thứ hai trong bộ máy nhà nước! Và ông đã có những người đồng ý tưởng ở cả trong Điện Kremli!

- Ông Ligachev: Trong những năm đầu cải tổ thì mọi sự cũng đã không rõ ràng lắm.  Phải tới những năm 1990 - 1991  thì nhiều người trong số các thành viên của ban lãnh đạo cao cấp nhất của Liên bang Xôviết mới thấy được rằng, mọi sự đang dẫn tới việc phá hủy đất nước. Nhưng đội quân phá hủy ở thời điểm đó đã kịp loại bỏ tất cả những lực lượng lành mạnh ra khỏi ban lãnh đạo.

Tôi cũng bị loại đi trước Hiệp ước Beloesh (kết liễu sự tồn tại của Liên bang Xôviết) một năm rưỡi. Những người khác thì bị loại trước đó một hai năm. Đội quân phá hủy đã dọn đường cho mình và cướp đoạt của công vào tay chúng. Ngoài ra, những người như tôi đều rất bận bịu với việc điều hành nền kinh tế. Chúng tôi không thạo việc chính trị lắm. Chúng tôi đã không có được những kinh nghiệm chính trị tốt, mạnh mẽ, hữu ích. Cần phải thú thực điều này. Dù rằng chúng tôi cũng đã có mấy lần thử.

- PV: Thử như thế nào?

- Ông Ligachev: Tôi có liên quan tới việc thành lập Đảng Cộng sản Nga và Liên minh Nông nghiệp. Những tổ chức này đã có các phản ứng. Nhưng đấy là vào những năm 90, khi đã quá muộn màng. Tôi đã viết hai lá thư gửi Ban Chấp hành Trung ương về việc đất nước đang lâm nguy. Chúng đều được công bố.

- PV: Nhưng đây không phải là chuyện cần viết thư mà là cần phải bãi chức Gorbachev và nói cho cùng, cần phải bắt giam ông ta!

- Ông Ligachev: Không thể nào bắt được vì tất cả các cơ quan sức mạnh đều thuộc quyền chỉ đạo của Tổng thống. Còn về một năm rưỡi còn lại trước khi đất nước bị tan rã thì tôi không chối bỏ trách nhiệm đạo đức của mình. Nhưng lúc đó tôi đã bị mất tất cả các đòn bẩy quyền lực. Tôi không còn có chân cả trong Bộ Chính trị lẫn trong Xôviết Tối cao cũng như trong Ban Chấp hành Trung ương. Và vì sau đấy mà lãnh đạo KGB Krisukov (Vladimir Kriuskov, Chủ tịch KGB từ tháng 10/1988 tới 21/8/1991), một người mà tôi rất kính trọng, cũng không hề đưa ra một biện pháp nào. Cũng như Nguyên soái Dmitry Yazov trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Họ cũng đã thử nhưng lại không thành công.

- PV: Vì sao GKCHP (Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước, được thành lập trong cuộc đảo chính tháng 8/1991)  lại bị thất bại?

- Ông Ligachev: Vì rằng họ không gắn kết với các tổ chức Đảng. Các tổ chức Đảng ở địa phương đã chờ đợi tín hiệu. Trong thời điểm đó tôi đang nằm viện nhưng tôi biết rõ tâm trạng của mọi người.

- PV: Nhưng tại sao ông Kriuskov lại án binh bất động ngay cả trong Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước, chứ chưa cần nói tới những thời điểm sớm hơn?  Hay là vì ông ấy sợ?

- Ông Ligachev: Ông ấy không sợ gì cả. Nhưng theo những gì tôi biết, đơn giản vì ông ấy là người mềm tính. Người tiền nhiệm của ông ấy trên cương vị Chủ tịch KGB là ông Chebrikov là người cứng rắn hơn nhưng ông này đã bị loại đi. Cùng với thời gian tôi bị loại đi.

- PV: Chính ông cũng đã thấy rằng Gorbachev loại bỏ các ông dần từng người một. Chẳng lẽ đã không thể đoàn kết lại với nhau?

- Ông Ligachev: Tôi xin thú thật là tôi đã có những cuộc nói chuyện như thế. Nhưng đều kết thúc bằng việc phải nghe đáp: "Xin cảm ơn ông, Yegor Kuzmich, chúng tôi ủng hộ ông nhưng chúng tôi không phải là chiến binh".

- PV: Ai nói vậy?

- Ông Ligachev: Những người đã ở trong Bộ Chính trị  cùng với tôi. Xin lỗi, tôi không thể nêu tên họ cụ thể của họ. "Xin cảm ơn, Yegor Kuzmich, vì ông đã tin tôi và nói thẳng thắn như thế, nhưng tôi không phải là chiến binh". Họ đã trả lời tôi như thế.

- PV: Những người như thế có đông không, những người không phải là "chiến binh" ấy?

- Ông Ligachev: Đông hơn cần thiết.

- PV: Và tất cả đều đã thua.

- Ông Ligachev: Hiển nhiên là vậy. Một bi kịch khổng lồ. Lẽ ra cần phải bắt giam ba nhà lãnh đạo đó (của LB Nga, Belorussia và Ukraina) ở Belovesh. Và không cần phải làm gì hơn nữa. Họ đã sợ hãi đến mức chuẩn bị bỏ của chạy ra nước ngoài. Không  ngẫu nhiên mà họ chọn địa điểm gặp là ở gần biên giới với Ba Lan.

- PV: Có ý kiến cho rằng, đứng đằng sau sự tan rã của Liên bang Xôviết là có bàn tay của CIA. Cái bàn tay khét tiếng này luôn hiện ra trong những thời điểm nặng nề đối với Tổ quốc của chúng ta.

- Ông Ligachev: Tất nhiên là có ảnh hưởng từ bên ngoài. Có thể cảm thấy tác động từ các cơ quan tình báo của Mỹ và Tây Âu. Nhưng đó không phải là cái chính. Cái chính là những yếu tố nội tại. Sự biến thái về chính trị của một nhóm người đã trở thành những kẻ phản bội lại Đảng và nhân dân. Sự khao khát sở hữu tư nhân đã hoàn thành công việc phá hủy của nó.

Trích đoạn từ cuốn sách "Ai đã phản bội Liên bang Xôviết?" của Yegor Ligachev:

"Vấn đề không phải ở cái thể chế từng trong suốt lịch sử của Nhà nước Xôviết đã chứng minh được sức sống chưa từng thấy, sức mạnh sáng tạo của nó ngay cả khi nó bị o ép trăm bề. Nguyên nhân nằm trong ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên bang cũng như ở các nước cộng hòa đã để lọt vào những kẻ cơ hội, những phần tử ly khai theo chủ nghĩa dân tộc, những lưu manh chính trị. Chúng ta đã phải đối mặt với các phần tử thoái hóa chính trị là cả một nhóm các nhà lãnh đạo cộng sản. Trở thành ông chủ tư nhân lớn, thèm khát của cải cá nhân và nắm lấy quyền lực vô biên trước nhân dân - đó là mục tiêu cháy bỏng, là ý nghĩa cuộc đời của họ. Đảng Cộng sản và chính quyền Xôviết đã không cho họ làm thế…

Người ta luôn luôn hỏi tôi: ai là nhân vật chính trong việc phá hủy Liên bang Xôviết, ai là kẻ tội đồ chính dẫn tới tất cả các tai họa khủng khiếp đã rơi xuống đầu nhân dân? Thời gian đã cho lời đáp trước câu hỏi không đơn giản này: Gorbachev!

Và người đã tiếp nối công việc của Gorbachev là Boris Yeltsin, đã khiến một đất nước giàu có tài nguyên bậc nhất trở nên nghèo túng. Tại Hội nghị Đảng lần thứ XIX năm 1988, tôi đã nói với ông ta: "Boris, anh không đúng đâu! Anh có năng lượng nhưng đó là năng lượng tàn phá chứ không phải năng lượng dựng xây!".
Năm 1989, A.A. Gromyko đã nói về Gorbachev: "Cái mũ đế vương quá rộng với đầu người này". Nhưng chính Gromyko đã là người đưa Gorbachev vào ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô mùa xuân năm 1985 sau khi ông Chernenko qua đời. Để về sau phải thất vọng đau đớn thế…".

Minh Huyền lược thuật (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm