Trump, Clinton và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

"Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một nền kinh tế mở trên thế giới, loại trừ chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu". Đó là tuyên bố của Hội nghị G20 diễn ra tại Hàng Châu vào hôm 5-9 vừa qua.

Với cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vẫn chưa ngã ngũ, nhiều chuyên gia ngại người lãnh đạo tiếp theo của Mỹ có thể sẽ khiến những tuyên bố này không còn giá trị. Tuy nhiên, châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hong Kong, chưa chắc sẽ mất đi nhiều lợi ích hơn Mỹ nếu như chính sách thương mại của vị Tổng thống Mỹ sắp tới, dù là Hilary Clinton hay Donald Trump, xa rời xu hướng mở cửa thương mại.

Thương mại thế giới hiện đang đón nhận nhiều thách thức. Theo số liệu sơ bộ từ Văn phòng phân tích chính sách kinh tế Hà Lan CPB, “khối lượng thương mại thế giới đã giảm 1,1% trong tháng 7-2016 so với tháng trước đó". "Thương mại quốc tế đã rơi vào tình trạng ảm đạm trong năm năm liên tiếp", theo Báo cáo Phát triển Thương mại năm 2016 tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển diễn ra vào giữa tháng 9.

Viễn cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ - Trung
Tập đoàn vận tải Hàn Quốc Hanjin vừa tuyên bố phá sản hồi tháng 8

Một điển hình của vấn đề này chính là sức ép ngày càng tăng trong ngành công nghiệp đóng tàu khi các chủ tàu phải gánh chịu nợ nần để tiếp tục đóng thêm nhiều con tàu mới hơn, lớn hơn chỉ với hy vọng mơ hồ sẽ tìm được các chuyến hàng béo bở hơn. Đó không chỉ là trường hợp của riêng tập đoàn vận tải Hàn Quốc Hanjin vừa tuyên bố phá sản hồi tháng 8, mà còn phản ánh một trạng thái bất ổn lớn hơn đang diễn ra. Đáng sợ hơn, vụ việc xảy ra ngay trước khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã buột miệng tuyên bố “vì một nền kinh tế thế giới rộng mở” tại Hàng Châu.

Thật không may, cả bà Clinton hay ông Trump đều tỏ ra không thấu hiểu mấy tình trạng thương mại quốc tế hiện tại chứ chưa nói đến việc giải quyết vấn đề này. Marcus Noland, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) của Mỹ, cho rằng chính sách thương mại của bà Clinton có thể được tóm tắt vỏn vẹn trong vài chữ: "Không có thêm thỏa thuận mới và thắt chặt các thỏa thuận hiện có".

Đáng chú ý, bà Clinton đã phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, trong đó có Mỹ cùng 10 quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương. Không chỉ vậy, Noland cho biết: "Bà Clinton còn ủng hộ việc thành lập chức danh chánh văn phòng công tố viên thương mại nhằm giám sát chặt chẽ giao dịch của các đối tác trong các hiệp định này. Ngoài ra, còn có nhiều quan ngại về việc bà này tìm cách thao túng tiền tệ các nước khác, trong đó có Trung Quốc".

Viễn cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ - Trung
Hai ứng viên chính thức của chức Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hilary Clinton. Ảnh: AP

Ông Donald Trump, ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa cũng từng đề cập đến việc áp đặt mức thuế quan đến 45% cho tất cả mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông còn mạnh miệng tuyên bố sẽ "tái kiểm tra và có thể bãi bỏ các hiệp định thương mại tự do", Noland cho biết, "không chỉ riêng Hiệp hội Thương mại Tự do Bắc Mỹ NAFTA với Canada và Mexico, mà ông Trump có thể còn nhằm vào thỏa thuận KORUS với Hàn Quốc, mà theo Trump là đang cướp đi việc làm của người Mỹ".

Theo Gary Hufbauer tại PIIE, “Mỹ hiện có quy chế cho phép Tổng thống Mỹ được quyền dừng tất cả hình thức hợp tác thương mại, tài chính, cấp bằng sáng chế và tất nhiên, có thể là cả thương mại xuất nhập khẩu".

Nói như vậy không có nghĩa rằng bất cứ vị tổng thống Mỹ nào cũng sẽ áp dụng những phương pháp hà khắc như vậy. Tổng thống Mỹ luôn phải xét đến việc bị các nước khác trả đũa, đặc biệt là trong trường hợp của Trung Quốc. Với chính sách "Một vành đai, một con đường" của mình, Trung Quốc đã và đang tìm cách đa dạng hóa và củng cố quan hệ kinh tế với châu Á và châu Âu.

Viễn cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ - Trung
Sản xuất iPhone 6 tại Nhà máy Foxconn, Trung Quốc. (ảnh: Ubergizmo)

Trong trường hợp chính quyền mới tại Mỹ áp đặt thuế hay các rào cản thương mại khác với Trung Quốc, PIIE cho rằng sẽ diễn ra một kịch bản được gọi là "chiến tranh thương mại bất đối xứng".

Theo đó, Trung Quốc có thể chọn không mua máy bay Mỹ, chấm dứt sử dụng các dịch vụ kinh doanh của Mỹ, ra lệnh cấm nhập khẩu đối với đậu nành Mỹ hoặc chỉ đơn giản là ngưng sản xuất iPhone ở Trung Quốc.

Hiện tại giá trị gia tăng của Trung Quốc đối với iPhone chỉ khoảng 4%. Nếu nước này ngưng sản xuất iPhone, Mỹ mới là nước chịu thiệt nhiều hơn bởi giá sản xuất sẽ kéo theo giá bán tăng vọt. Mỹ do đó có thể gặp phải các phản ứng bất lợi nếu áp đặt các hàng rào thương mại lên Trung Quốc.

Tờ SCMP kết luận, với tình trạng nền thương mại quốc tế ảm đạm, Mỹ tốt hơn cả là nên tuân theo các cam kết tại Hàng Châu hơn là đưa ra các rào cản thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm