Trung Quốc sẽ sớm triển khai quân sự ra Trường Sa?

Việc triển khai trái phép máy bay chiến đấu có vũ trang ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 11-2015 và động thái mới nhất triển khai trái phép tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo này là tín hiệu cho thấy Trung Quốc (TQ) có kế hoạch dài hạn tăng cường sức mạnh quân sự trên biển Đông, theo hãng tin Reuters (Mỹ) ngày 21-2.

Hình ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm trong ngày 3-2 (phải) và ngày 14-2. Ảnh: REUTERS

Tên lửa đất đối không HQ-9 có hệ thống radar dẫn đường, có tầm bắn xa 200 km là loại vũ khí nguy hiểm nhất TQ triển khai ra quần đảo Hoàng Sa trước nay. Theo nhiều nhà phân tích thì TQ xem quần đảo Hoàng Sa có vai trò quan trọng trong bảo vệ hạm đội tàu ngầm hạt nhân của TQ ở đảo Hải Nam cách đó 200 km.

Reuters dẫn nhận định một số nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh có quan hệ với các nhà chiến lược quân sự TQ rằng các bước đi mở rộng và quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa hiện nay của TQ nhiều khả năng sẽ được lặp lại ở các đảo nhân tạo TQ tạo ra ở quần đảo Trường Sa.

Nhà phân tích quân sự Bonnie Glaser thuộc Trung tâm An ninh và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS - Mỹ) cho rằng những động thái TQ đã làm với Hoàng Sa là điềm báo trước cho những bước đi tương tự của TQ với Trường Sa. Chuyên gia về biển Đông Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) tin rằng TQ sẽ triển khai những vũ khí tương tự tại Hoàng Sa ra quần đảo Trường Sa trong 1-2 năm nữa.

Tháng trước TQ thông báo đã cho máy bay thương mại hạ cánh thành công xuống đường băng TQ mới xây dựng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Và từ các chuyến bay thương mại cho đến các chuyến bay quân sự có thể chỉ cách nhau vài tháng, Reuters dẫn nhận định nhiều nhà phân tích TQ.

Nhà phân tích an ninh Dương Minh Hạ thuộc tổ chức phi lợi nhuận Khủng hoảng quốc tế (Bỉ) nhận định có thể TQ sẽ thận trọng hơn và sẽ phải chịu nhiều tổn thất ngoại giao hơn khi quyết định triển khai quân sự ra quần đảo Trường Sa vì tranh chấp phức tạp hơn.

Ông Ngô Sĩ Cung, Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Đông quốc gia TQ, đồng tình việc triển khai quân sự ra quần đảo Trường Sa có thể sẽ khó khăn hơn ở quần đảo Hoàng Sa nhưng chắc chắn sẽ diễn ra.

Còn theo Reuters, TQ về dài hạn sẽ có máy bay chiến đấu, máy bay do thám, tàu ngầm tuần tra ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra TQ sẽ đưa một lượng lớn dân ra định cư tại hai quần đảo này để khẳng định tuyên bố chủ quyền.

Một điều nghiêm trọng nữa, TQ sẽ nỗ lực thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông, tương tự vùng ADIZ mà TQ đã lập trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013.

Reuters nhận định bước đi này của TQ có thể sẽ kích thích Mỹ và Nhật có các hoạt động tuần tra giám sát biển Đông nhiều hơn bất chấp các phản ứngtừ trước đến nay từ Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.