Trung Quốc tìm gì ở Pakistan?

Đây là dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên của Quỹ Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Quỹ được thành lập hồi tháng 12-2014 với vốn 40 tỉ USD, là công cụ để thực hiện sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Dự án thủy điện Karot nằm trong khuôn khổ hàng loạt văn kiện được Trung Quốc và Pakistan ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Pakistan của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hai ngày 20 và 21-4. Trong chuyến đi này của ông Tập, hai bên cũng đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã được Pakistan đón tiếp trọng thị và Trung Quốc đã tỏ thái độ hào phóng với các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng lên đến 46 tỉ USD, một khoản tiền lớn dùng để xây dựng hành lang kinh tế dài 3.000 km kéo dài từ cảng Gwadar (Pakistan) đến khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (Trung Quốc).

Báo Les Echos (Pháp) nhận định với dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên của Quỹ Con đường tơ lụa ở Pakistan, Trung Quốc muốn biến Pakistan thành trụ cột cho chiến lược phát triển ở sườn phía tây Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Pakistan và Mỹ cũng là đối tác chiến lược của Pakistan. Tuy nhiên, điều khác biệt với các nước khác ở châu Á là 78% số người được hỏi ở Pakistan nhận xét tích cực đối với Trung Quốc và chỉ 14% đánh giá cao Mỹ, theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ).

Cũng vì tình hữu nghị đó màNhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) không tiếc lời ca ngợi quan hệ Trung Quốc-Pakistan “cao hơn dãy Hy Mã Lạp Sơn, sâu hơn biển Ả Rập và ngọt ngào hơn cả mật ong”.

Báo 24 Heures(Thụy Sĩ) ghi nhận dù tình hình bất ổn triền miên ở Pakistan, Trung Quốc vẫn cho rằng đáng bõ công để đầu tư ồ ạt vào đường bộ, đường sắt, dầu mỏ và khí đốt tại Pakistan. Có nhiều nguyên nhân để giải thích.

Đầu tiên là hai nước đều cùng chia sẻ thái độ ngờ vực đối với Ấn Độ. Thứ đến hiện nay các tàu chở dầu đến Trung Quốc đều phải đi qua Ấn Độ, vào eo biển Malacca đầy bọn hải tặc trước khi qua eo biển Đài Loan.

Pakistan sẽ mở cho Trung Quốc con đường ra biển Ả Rập mang ý nghĩa chiến lược cao. Cảng nước sâu Gwadar (đang do một công ty nhà nước Trung Quốc quản lý) nằm gần eo biển Hormuz, nơi hơn 30% sản lượng dầu thế giới đi qua, tức khoảng 17 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra về vấn đề an ninh, Trung Quốc cũng sẽ an tâm hơn trước nỗi lo các phần tử Hồi giáo cực đoan người Duy Ngô Nhĩ xâm nhập từ Pakistan vào Tân Cương. Báo Thụy Sĩ kết luận ông Tập đã biết sử dụng con đường tắt Pakistan để mang dầu và khí đốt về cho Trung Quốc, một quốc gia lúc nào cũng khát dầu.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm