Úc lo ngại máy bay ném bom và tên lửa Trung Quốc

Báo dẫn lời của giới phân tích Úc cảnh báo nếu cất cánh từ đường băng dài 3.000 m do Trung Quốc xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, máy bay ném bom tầm xa H-6K của Trung Quốc có thể dễ dàng tấn công các căn cứ quân sự ở Bắc Úc và thậm chí là các cơ sở như trạm vệ tinh mặt đất Pine Gap và trạm thông tin liên lạc hải quân Harold E. Holt.

Lo ngại trên càng có cơ sở vì ngày 2-9, Tư lệnh không quân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên thông báo Trung Quốc đang phát triển một loại máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới có thể cải thiện khả năng tấn công các mục tiêu ở xa.

Trả lời câu hỏi Trung Quốc phát triển quân sự đe dọa trực tiếp đến Úc như thế nào, các chuyên gia an ninh đều cho rằng sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc có ảnh hưởng to lớn với Úc, đặc biệt vai trò Úc là nơi đồn trú quan trọng của quân đội Mỹ sẽ tăng thêm nếu quan hệ Trung-Mỹ xấu đi.

Theo TS Malcolm Davis, chuyên nghiên cứu quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc ở Viện Chính sách chiến lược Úc, máy bay ném bom H-6K có trang bị tên lửa hành trình có thể bay được rất xa từ phía nam quần đảo Trường Sa. Ông đề nghị: “Chính quyền Úc cần tính đến yếu tố này vì khi chuyển trọng tâm sang châu Á, chắc chắn Mỹ sẽ đồn trú nhiều hơn ở Úc”.

TS Malcolm Davis đánh giá nếu Trung Quốc phát triển được máy bay ném bom tàng hình H-20 mà không cần máy bay tiếp liệu hỗ trợ thì đây sẽ là một lợi thế chiến đấu lớn.

Tuy còn nghi ngờ hiệu quả của máy bay ném bom khi xung đột trong tương lai, TS Stephan Fruehling ở ĐH Quốc gia Úc cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hành tuần tra liên tiếp ở khu vực tây bắc Úc như đã từng làm ở vùng biển Nhật.

Theo ông, với hành động tuần tra, Trung Quốc muốn phát tín hiệu cảnh cáo rằng nếu Úc tham gia vào các cuộc tuần tra chung ở biển Đông do Mỹ chủ xướng thì đừng nghĩ rằng ở xa khu vực tranh chấp là an toàn.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Úc Andrew Shearer ghi nhận có mối quan ngại lớn hơn là quá trình phát triển và hiện đại hóa nhanh chóng của tên lửa đạn đạo Trung Quốc.

Ông nhận định: “Chúng ta cần phải nghiêm túc xem xét hệ thống phòng thủ tên lửa trong nước”. Điều này có nghĩa là Úc phải nâng cấp các tàu khu trục trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo và cân nhắc xây dựng lá chắn phòng thủ trên đất liền. Ông đề xuất Úc nên trang bị hệ thống Patriot của Mỹ hay hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối mà Nhật và Hàn Quốc sử dụng.

Tuy nhiên, chuyên gia Euan Graham ở Viện Nghiên cứu Lowy đánh giá Trung Quốc phải cực kỳ táo tợn mới dám tiến hành hoạt động quân sự chống lại một cường quốc quân sự như Úc trong khi Trung Quốc chưa từng tham chiến sau giai đoạn ngắn chiến tranh biên giới với Việt Nam vào năm 1979.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm