Prayuth Chan-ocha - Sự lựa chọn duy nhất trên chính trường Thái Lan

Prayuth Chan-ocha - Sự lựa chọn duy nhất trên chính trường Thái Lan ảnh 1Prayuth Chan-ocha, lựa chọn duy nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan. (Nguồn: Reuters)

Cuộc bầu chọn diễn ngắn gọn và không hề có bất kỳ tiếng nói phản đối nào, ngoài việc ba vị chủ tọa là Chủ tịch Hội đồng lập pháp và hai Phó chủ tịch không tham gia bỏ phiếu. Tướng Prayuth đã được ông Tuang Nathachai, thành viên của Hội đồng lập pháp, tiến cử với sự ủng hộ của 188 thành viên khác. Không có thêm ứng cử viên nào tham gia cuộc đua này.

Việc lựa chọn ông Prayuth làm thủ tướng thứ 29 của Thái Lan đã được dư luận nước này dự báo trong những ngày qua và nó được cho là không có gì bất ngờ bởi phái quân đội vẫn phải tiếp tục cầm quyền để đảm bảo thực hiện mọi kế hoạch họ đặt ra sau đảo chính.

Trong tất cả các cuộc thăm dò trước cuộc bầu chọn này, tướng Prayuth luôn giành được sự ủng hộ từ cả người dân, giới quân sự và thậm chí cả một số nhân vật đối lập. Tất cả đều cho rằng ông Prayuth là người thích hợp nhất trong môi trường chính trị hiện nay.

Ông Tuang cho phóng viên biết: "Việc trao quyền điều hành đất nước cho tướng Prayuth là hoàn toàn hợp lệ. Khó có thể tìm được ai khác để trở thành thủ tướng ngoài ông ta. Nếu không phải tướng Prayuth thì có thể là ai vào đây? Ông ta cần có toàn bộ quyền lực để giải quyết tất cả các vấn đề hiện nay của đất nước."

Tướng Prayuth đã thực hiện cuộc đảo chính quân sự và giành quyền điều hành đất nước trong ba tháng qua sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị "tước quyền hành" bằng một phán quyết gây tranh cãi của tòa án hiến pháp.

Thái Lan liên tục rơi vào bất ổn kể từ sau khi người anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, bị lật đổ bằng đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc đảo chính này bị coi là thất bại trong việc thực hiện "chương trình cải cách đất nước" do giới tinh hoa trong xã hội Thái Lan đặt ra. Do vậy, sau cuộc đảo chính lần này, quân đội Thái Lan sẽ phải tiếp tục nắm quyền điều hành để thực hiện mọi cải cách mà họ đưa ra trước khi có thể tổ chức bầu cử.

Dư luận báo chí tại Bangkok thì cho rằng việc quân đội giành quyền lực là cần thiết để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài quá lâu này và tỏ ra đồng tình với việc chính quyền quân sự sẽ tiếp tục tại vị song song với chính phủ tạm quyền.

Tướng Prayuth dự kiến sẽ thôi vị trí Tư lệnh lục quân vào tháng 9 này, nhưng ông này có thể vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng hòa bình trật tự, cơ quan đại diện cho chính quyền quân sự.

Dự kiến kết quả bầu chọn ông Prayuth làm Thủ tướng sẽ được chuyển lên Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej để phê chuẩn và ông Prayuth sẽ tiến hành lựa chọn một Nội các gồm 35 thành viên để đưa chính phủ tạm quyền đi vào hoạt động từ đầu tháng 9/2014.

Theo giới truyền thông Thái Lan, nhiệm vụ chính của ông Prayuth là thực hiện cải cách để đưa đất nước trở lại dân chủ và hòa hợp dân tộc. Ông này cũng sẽ phải thực hiện ngay các bước nhằm kích thích nền kinh tế, hiện đã bị hạ thấp chỉ số tăng trưởng.

Kinh tế Thái Lan chỉ đạt mức tăng trưởng 0,4% trong quý hai vừa qua và được dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng từ 1,5 đến 2% trong năm nay, khi mà chỉ số lòng tin của giới kinh doanh cũng như đầu tư nước ngoài vẫn đang ở mức rất thấp./.

Theo Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm