Tây Ban Nha biểu tình chống tham nhũng

Ngày 23-2 (giờ địa phương), theo lời kêu gọi của phong trào Marea Ciudadana (Thủy triều công dân), hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Madrid để phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng và nạn tham nhũng, đồng thời kêu gọi chính phủ từ chức.

Các đoàn biểu tình quy tụ đủ mọi thành phần, từ giáo viên, bác sĩ đến sinh viên, nhân viên cứu hỏa và thợ mỏ. Họ diễu hành trong tiếng còi và tiếng gõ nồi chảo. Điểm tập trung của các đoàn biểu tình là quảng trường Neptuno gần trụ sở Quốc hội.

Hãng tin Reuters ghi nhận biểu tình rầm rộ cũng đã diễn ra ở khoảng 80 thành phố như Barcelona, Valencia.

Tây Ban Nha đã trải qua gần năm năm khủng hoảng kinh tế chưa biết chừng nào kết thúc. Từ hơn một năm nay, chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã tiến hành chính sách cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt nhằm tiết kiệm 150 tỉ euro trong ba năm (đến năm 2014).

Tây Ban Nha biểu tình chống tham nhũng ảnh 1

Biểu tình nói không với chính sách thắt lưng buộc bụng ngày 23-2 (giờ địa phương) ở Madrid. Ảnh: EFE

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu công bố ngày 22-2, mức thâm hụt ngân sách công năm 2012 của Tây Ban Nha là 10,2% (8,9% năm 2011), tức vượt xa chỉ tiêu 6,3% Tây Ban Nha đề ra. Trong hai năm tới, mức thâm hụt tiếp tục ước đạt 6,7% (năm 2013) và 7,2% (năm 2014).

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như thế, nhiều vụ tham nhũng xảy ra đã làm người dân bất mãn. Gần đây nhất là vụ con rể của quốc vương Juan Carlos ra tòa.

Theo hãng tin AP, ngày 23-2, Iñaki Urdangarin 45 tuổi đã ra trước tòa án ở TP Palma thuộc đảo Mallorca. Ông là hôn phu của công chúa út Cristina, nguyên vận động viên bóng ném chuyển sang kinh doanh. Ông bị tình nghi tham ô 6 triệu euro của Viện Noos (tổ chức phi vụ lợi) do ông lãnh đạo từ năm 2004 đến 2006 để chuyển sang doanh nghiệp riêng của ông.

Trong phiên tòa khoảng 4 tiếng, ông khẳng định hoàng gia không liên can gì đến việc kinh doanh của ông. Tuy nhiên, vụ tai tiếng này đã làm vấy bẩn hình ảnh hoàng gia. Ngày 22-2, hoàng gia phải ra thông cáo cho biết quốc vương Juan Carlos không có ý định thoái vị.

Trước đó, vào cuối tháng 1, nhật báo El Pais (Tây Ban Nha) tiết lộ trên trang nhất đảng Nhân dân (cánh hữu) do Thủ tướng đương nhiệm Mariano Rajoy lãnh đạo từ năm 2004 đã lập quỹ đen.

Báo El Pais đăng ảnh chụp sổ sách kế toán viết tay của đảng từ năm 1990 đến 2008. Báo khẳng định trong số các nhà lãnh đạo đảng hưởng quỹ đen có Thủ tướng Mariano Rajoy. Theo báo, sổ sách kế toán ghi nhận từ năm 1997, hàng quý hoặc mỗi nửa năm, ông Mariano Rajoy đã nhận mỗi năm 25.200 euro trong suốt 11 năm.

Đảng Nhân dân tuyên bố tài chính của đảng rõ ràng, thường xuyên được Tòa án Kiểm toán kiểm tra và xác nhận. Thủ tướng Mariano Rajoy bác bỏ thông tin nói ông đã nhận quỹ đen và cho biết tuần tới ông sẽ công bố bản khai thu nhập để mọi công dân đều biết, đồng thời khẳng định ông sẽ không từ chức.

Ngày 24-2, hơn 47 triệu cử tri Ý đã tham gia bầu 639 dân biểu và 315 nghị sĩ. Bốn liên minh lớn tham gia tranh cử. Theo thăm dò, liên minh của đảng Dân chủ (cánh tả) sẽ dẫn đầu, kế đến là liên minh của đảng Nhân dân tự do (trung hữu) của nguyên Thủ tướng Silvio Berlusconi. Liên minh châu Âu và các thị trường tài chính theo dõi chặt chẽ bầu cử ở Ý. Nếu có hai đảng chiến thắng ở Hạ viện và Thượng viện, nguy cơ bất đồng chính trị sẽ xảy ra, Ý sẽ rơi vào tình trạng không kiểm soát. Ý là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euero và đã áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng từ hơn một năm nay.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm