Thời tiết bất thường gấp ba lần 1980

Nắng nóng ở Nga, mưa lũ ở Pakistan, Ấn Độ, Trung Âu, lũ lụt và lở đất ở Trung Quốc trong mùa hè này đã phản ánh đúng những gì Tổ chức chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC(*) kết luận 20 năm trước.

Công ty tái bảo hiểm Munich Re của Đức đã nhận xét tần suất thời tiết bất thường như bão tố, lũ lụt đã tăng gấp ba lần so với năm 1980 và khuynh hướng này vẫn đang duy trì.

Theo Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), Trái đất chưa bao giờ nóng đến mức như nửa đầu năm 2010. Nắng nóng ở Nga và 18/50 bang của Mỹ cũng trở nên dữ dội và kéo dài hơn trước.

Chuyên gia Omar Baddour làm việc cho Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định: Về tần suất cũng như cường độ, mỗi năm thời tiết lại lập kỷ lục mới, thậm chí nhiều kỷ lục bị vượt chỉ trong một tuần. Ví dụ ở Nga, nhiệt độ nóng 38,2°C ở Moscow vào cuối tháng 7 đã thuộc hạng nóng nhất trong 130 năm qua, tuy nhiên kỷ lục này đã bị hạ vào đầu tháng 8.

Thời tiết bất thường gấp ba lần 1980 ảnh 1

Ngày 7-8, dân làng Kriusha ở Nga cầu mưa dập tắt cháy rừng. Ảnh: REUTERS

Theo Giáo sư Friedrich-Wilhelm Gerstengarbe ở Viện Nghiên cứu về tác động khí hậu tại Potsdam (Đức), rất hiếm xảy ra bốn hiện tượng thiên tai bất thường cùng lúc, đó là mưa lũ ở Pakistan, nắng nóng ở Nga, mưa kéo dài ở Trung Quốc và mưa lũ ở Trung Âu.

Giải thích về mưa lũ bất thường ở Pakistan, chuyên gia Omar Baddour cho rằng đó là do hiện tượng La Nina xảy ra sau hiện tượng El Nino và trái ngược với El Nino. El Nino dẫn tới khô hạn ở Ấn Độ và khu vực Sahel (giáp ranh sa mạc Sahara). Sau đó, hiện tượng La Nina nối tiếp sẽ làm lạnh nhiệt độ ở Thái Bình Dương.

Từ năm 1994 đến 1999, các nhà khoa học Mỹ, Philippines và Tổ chức Lương-Nông LHQ đã nghiên cứu tác động của hiện tượng tăng nhiệt độ hằng ngày trong sản xuất lúa gạo ở 227 ruộng lúa tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Ngày 9-8, kết quả đã được công bố: Nhiệt độ toàn cầu tăng sẽ làm giảm năng suất lúa ở châu Á. Theo nghiên cứu, nhiệt độ tối thiểu hằng ngày tăng về đêm sẽ làm năng suất lúa giảm. Khi nhiệt độ trong ngày tăng tới ngưỡng nào đó, năng suất sẽ tăng trở lại nhưng không thể bù đắp với thiệt hại khi năng suất giảm.

Giáo sư khí hậu học Andrew Watson ở Đại học East Anglia (Anh) cũng đồng quan điểm nêu trên.

Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu đã quy kết khí gây hiệu ứng nhà kính chính là thủ phạm gây ra thời tiết bất thường, trong đó có Giáo sư Friedrich-Wilhelm Gerstengarbe và Phó Chủ tịch IPCC Jean-Pascal Van Ypersele.

Tuy nhiên, chuyên gia Omar Baddour trấn an rằng cần phải khảo sát thời tiết bất thường trong nhiều năm mới có thể rút ra kết luận đó là hậu quả do biến đổi khí hậu. Giáo sư Andrew Watson cũng dè dặt nhận định dữ liệu thời tiết của một mùa hè năm 2010 chỉ là dữ liệu khí tượng chứ không phải khí hậu.

Nhận xét về nắng nóng gây cháy rừng ở Nga, Giáo sư danh dự Henning Rodhe ở Đại học Stockholm (Thụy Điển) giải thích: “Khí hậu nóng lên chắc chắn sẽ gây ra hậu quả bất thường như thế, tuy nhiên không thể kết luận khí hậu nóng lên là nguyên nhân trực tiếp”.

HOÀNG DUY (Theo AFP, Reuters)

(*) IPCC do LHQ thành lập vào tháng 11-1988, được trao giải Nobel năm 2007. IPCC không phải là cơ quan nghiên cứu mà chỉ giữ vai trò giám sát và tổng hợp các công trình nghiên cứu về khí hậu trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm