Trung Quốc giúp Myanmar với ý đồ gì?

Báo New York Times ngày 20-8 (giờ địa phương) ghi nhận trong chuyến thăm Trung Quốc năm ngày của bà Aung San Suu Kyi, cố vấn quốc gia Myanmar, Trung Quốc đã dàn xếp cho bà mang một món quà trở về nhằm chứng minh Trung Quốc vẫn tiếp tục xem Myanmar là bạn tốt.

Đó là bức thư của ba nhóm dân tộc thiểu số ly khai ở Myanmar có liên hệ với Trung Quốc. Trong thư, ba nhóm này tuyên bố sẽ tham dự hội nghị đàm phán hòa bình do chính phủ Myanmar tổ chức.

Từ khi chính quyền dân sự cầm quyền ở Myanmar hồi tháng 3, cố vấn quốc gia Aung San Suu Kyi đã tuyên bố mục tiêu chính của bà là chấm dứt 70 năm nội chiến giữa quân đội chính phủ với các nhóm ly khai.

Bà tuyên bố với báo giới: “Tôi tin rằng với tư cách nước láng giềng tốt, Trung Quốc sẽ làm hết sức để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Myanmar”.

Trong bài viết với đầu đề “Trung Quốc giúp bà Aung San Suu Kyi về đàm phán hòa bình ở Myanmar”, báo New York Times nhận định Trung Quốc hứa hẹn thúc đẩy các nhóm ly khai ở Myanmar tham gia đám phán hòa bình chẳng phải vì lòng thương người.

Biểu tình phản đối xây đập Myitsone trước đại sứ quán Myanmar ở Kuala Lumpur (Malaysia) vào tháng 9-2011. Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến của các nhóm ly khai Myanmar ở biên giới hai nước đã khiến nạn khai thác ngọc thạch và buôn gỗ lậu bùng phát và tình hình thương mại hợp pháp qua biên giới cũng bị đình trệ.

Một khi hòa bình vãn hồi, Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng đường bộ và đường sắt nối miền Bắc Myanmar với vịnh Bengal, rút ngắn tuyến đường dành cho dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt nhằm tránh biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã nuôi dưỡng nhiều dự án đưa Myanmar vào quỹ đạo. Vì lẽ đó mà ngày 19-8, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần đã tiếp xúc với bà Aung San Suu Kyi.

Báo New York Times ghi nhận tháng tới bà Suu Kyi sẽ đến Nhà Trắng nhằm chính thức khẳng định vai trò của Tổng thống Obama trong tiến trình thúc đẩy Myanmar tiến đến chính quyền dân sự.

Cách đây vài tháng, Bộ Tài chính Mỹ đã dỡ bỏ một số cấm vận nhưng tiếp tục siết chặt một số lĩnh vực đối với Myanmar. Hiện nay, nhiều công ty Mỹ đang ngại ngần đầu tư vào Myanmar.

Như vậy xem ra Trung Quốc có thể sẽ chiếm thế thượng phong. Dù vậy, nhiều nhà phân tích không nghĩ như thế. Họ cho rằng bà Suu Kyi sẽ hợp tác cùng lúc với Washington lẫn Bắc Kinh.

Chuyên gia Hans W. Vriens ở công ty tư vấn Vriens & Partners đánh giá: “Bà Suu Kyi sẽ giữ thế cân bằng với Trung Quốc nhưng không rời quá xa Mỹ bởi Washington đã giữ vai trò rất lớn trong toàn bộ quá trình chuyển hóa thể chế của Myanmar”.

Ông nhận xét Mỹ không phản đối Trung Quốc giữ vai trò giải quyết xung đột giữa các nhóm ly khai với quân đội Myanmar ở khu vực biên giới.

Sau khi cuộc chiến này kết thúc, Mỹ và nước đồng minh Nhật sẽ chỉ có lợi. Lúc đó Nhật sẽ nhảy vào biến Myanmar trở thành địa chỉ đầu tư nước ngoài mới.

Báo South China Morning Post ngày 22-8 ghi nhận nếu vấn đề giải quyết xung đột ở biên giới Myanmar - Trung Quốc tiến triển thì hai bên vẫn chưa đạt được tiến bộ về dự án xây đập thủy điện Myitsone của Trung Quốc trên sông Irrawaddy (bị đình chỉ năm 2011 do người dân phản đối). Do tình cảm chống Trung Quốc tại Myanmar, ít có khả năng bà Suu Kyi sẽ nhượng bộ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề nghị Myanmar giải quyết tranh chấp về dự án đập Myitsone nhằm tránh gây thiệt hại cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, bà Suu Kyi chỉ hứa sẽ tìm kiếm giải pháp phù hợp với lợi ích của hai bên chứ không đưa ra lộ trình giải quyết cụ thể.

________________________________

3-4 năm là thời gian hoàn thành nghiên cứu toàn diện về tác hại của dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone. Giữa tháng 11, Myanmar sẽ công bố báo cáo ban đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm