Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết trọng tài

Mỹ, Nhật, Úc đã kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng các tiền đồn và cải tạo đất trong khu vực tranh chấp ở biển Đông.

Hãng tin AP đưa tin tối 25-7, ba ngoại trưởng John Kerry (Mỹ), Fumio Kishida (Nhật) và Julie Bishop (Úc) đã nhất trí đưa ra thông cáo chung với nội dung như trên sau cuộc hội đàm tại thủ đô Vientiane (Lào) bên lề hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan.

Thông cáo chung Mỹ, Nhật, Úc nêu rõ: “Các bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tranh chấp hàng hải ở biển Đông. Các bộ trưởng đã bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ với mọi hành động đơn phương cưỡng ép có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”.

Trong thông cáo chung, ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc đã ủng hộ mạnh mẽ nhà nước pháp quyền, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài vốn mang tính chất ràng buộc đối với hai nước.

Thông cáo chung có đoạn: “Các bộ trưởng nhấn mạnh đây là dịp then chốt để khu vực tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc sẵn có và chứng tỏ sự tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc sau hội đàm tối 25-7 tại Vientiane (Lào). Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ

Thông cáo chung kêu gọi các bên không hành động đơn phương làm thay đổi diện mạo gây thiệt hại môi trường biển và thực hiện các hành động như cải tạo đất trên quy mô lớn, xây dựng tiền đồn và sử dụng các tiền đồn này vào mục đích quân sự.

AP ghi nhận thông báo chung của Mỹ, Nhật, Úc là một trong những cảnh báo mạnh mẽ nhất và cụ thể nhất của các nước đồng minh này đối với Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết ngày 12-7.

Trong khi đó, báo Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc đã đưa ra đề nghị Mỹ ủng hộ cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila để giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại hội đàm Mỹ-Trung bên lề hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Lào hôm 25-7, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng Bắc Kinh hy vọng Washington có những biện pháp cụ thể để ủng hộ đàm phán về tranh chấp ở biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.

Ông John Kerry trả lời Mỹ không tham gia tranh chấp và ủng hộ Trung Quốc - Philippines đàm phán song phương như một biện pháp giảm nhiệt trong khu vực.

Báo Wall Street Journal nhận định đề nghị nêu trên của Trung Quốc nhằm mục đích bỏ qua phán quyết trọng tài. Trước đây, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết và đã từng tuyên bố sẽ tiến hành đàm phán với Philippines mà không cần phán quyết.

Chuyên gia Ian Story ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á-Yusof-Ishak (Singapore) nhận định: “Rất lạ khi Trung Quốc đề nghị Mỹ ủng hộ đàm phán song phương trong khi Bắc Kinh đã đưa ra với Manila điều kiện khó chấp nhận là bỏ qua phán quyết”.

Ông ghi nhận nếu Trung Quốc thực sự muốn đàm phán với Philippines thì đầu tiên phải tuyên bố bỏ điều kiện tiên quyết nêu trên.

Ông cho rằng Mỹ cũng không có cách nào gây sức ép với Philippines ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc mà bỏ qua phán quyết được.

Ngày 26-7, các hội nghị trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan tiếp tục diễn ra tại thủ đô Vientiane (Lào). Trong ngày họp cuối cùng, các hội nghị gồm có ASEAN+3 (ASEAN, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc), hội nghị bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Á (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Úc, New Zealand) và Diễn đàn khu vực ASEAN (10 nước ASEAN và 17 đối tác).

____________________________________

Hải quân và không quân Úc sẽ tiếp tục tuần tra hàng hải và hàng không trên biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế… Bộ Quốc phòng đã chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp bao gồm những giải pháp đáp ứng với diễn biến ở biển Đông… Về quân sự, chắc chắn tình hình nguyên trạng phải tiếp tục được duy trì.

Phó đô đốc DAVID JOHNSTON (tham mưu trưởng liên quân Úc)  tuyên bố ngày 26-7

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm