Trung Quốc 'sốt vó' vì Ấn Độ đưa tên lửa ra biên giới

Tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và New Delhi dọc theo biên giới Tây Tạng đã xảy ra từ lâu. Trung Quốc khẳng định Ấn Độ đã chiếm hơn 90.000 km2 lãnh thổ, phía Ấn Độ lại tuyên bố hiện Trung Quốc đang chiếm hơn 37.000 km2 lãnh thổ nước mình.

Để khẳng định chủ quyền, Ấn Độ dự định sẽ triển khai tên lửa hành trình BrahMos tiên tiến tới khu vực tranh chấp. Tên lửa này được sản xuất vào năm 2007, là một trong những vũ khí đa năng nhất của Ấn Độ, có thể được phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hoặc ngay trên mặt đất.

Đáp trả lại động thái này, Trung Quốc đã kêu gọi Ấn Độ nên tăng cường "sự ổn định" trong khu vực. "Chúng tôi hy vọng phía Ấn Độ có thể tăng cường hành động thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới" phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Wu Qian trả lời phóng viên, theo tờ báo Hindu. "Để duy trì hòa bình và ổn định dọc biên giới Ấn Độ -Trung Quốc cần có sự đồng lòng nhất trí giữa hai bên".

Trung Quốc 'sốt vó' vì Ấn Độ đưa tên lửa ra biên giới
Một tên lửa đất đối không được phóng trong cuộc diễn tập 'Nắm tay sắt' tại Pokhran, Ấn Độ. Ảnh: AP

Một bài bình luận gần đây trên tờ PLA Daily của Trung Quốc cũng bày tỏ thái độ tương tự. "Tin tức này đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Việc Ấn Độ triển khai tên lửa trên biên giới quốc gia đã vượt quá nhu cầu quốc phòng và tạo ra mối đe dọa lớn với Tây Tạng và Vân Nam"  - nó nói.

"Việc triển khai tên lửa BrahMos chắc chắn sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh và đối kháng trong quan hệ Trung-Ấn và sẽ tác động tiêu cực đến tình hình ổn định trong khu vực”.

Ấn Độ đang đàm phán thỏa thuận mua bích kích pháo hạng nhẹ M777A2 với Mỹ để  sử dụng dọc biên giới Trung - Ấn. Tuy nhiên thỏa thuận này có thể sẽ không thành công do thay đổi giá cả.

Việc tăng cường quân đội dọc theo biên giới Trung - Ấn đã diễn ra trong những tuần gần đây. Tháng trước, Ấn Độ đã triển khai gần 100 xe tăng đến khu vực Ladakh. Đáp trả lại, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo sẽ có những biện pháp trừng phạt về kinh tế.

"... Có nhiều công ty Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất điện thoại Xiaomi và nhà sản xuất máy tính Lenovo đang để mắt đến Ấn Độ", trích một bài xã luận trên tờ Global Times của Trung Quốc. "Tuy nhiên, điều khó hiểu chính là trong khi triển khai xe tăng gần biên giới đang tranh chấp, Ấn Độ vẫn cố gắng thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm