Ai còn, ai mất?

Nhắc đến cái tên Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long không ít người hỏi là gì bởi đấy là những giải khu vực tiêu biểu cho ba miền Bắc (giải Hồng Hà) - Trung (giải Trường Sơn) - Nam (giải Cửu Long) từ năm 1976. Đó là những giải đấu được xem là bước đệm quan trọng trước khi giải vô địch toàn quốc ra đời.

Festival Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long đúng là ngày hội quy tụ được khoảng 100 cầu thủ ba miền và cùng nhau đá bóng, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa trong giai đoạn bóng đá còn nhiều khó khăn. Thậm chí là những ngày đá bóng mà còn bị giọng điệu xuyên tạc của đài, báo nước ngoài như đã từng hăm he trận cầu ngày 7-11-1976 giữa đại diện bóng đá miền Bắc - Tổng cục Đường Sắt với đại diện miền Nam - Cảng Sài Gòn là “tắm máu”. Thế nhưng bóng vẫn lăn trong tiếng vỗ tay và tấm lòng yêu thương của đồng bào miền Nam đón chào các cầu thủ miền Bắc mà ông Trần Duy Long dẫn lứa cầu thủ Minh Điểm, Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung… vào Nam thi đấu được đồng bào miền Nam yêu thương, săn sóc tận tình và đi đâu khán giả cũng dang tay chào đón tận tình.

Đội trưởng Phan Kim Lân (14) ngày nào cùng Nghĩa Bình thắng Sở Công Nghiệp ngay trên sân Thống Nhất (bên trái là Dương Ngọc Hùng, bên phải là Lê Thanh Huy). Ảnh tư liệu

Ai còn, ai mất? ảnh 2

Toàn bộ lứa cầu thủ năm 1976 trong màu áo Tổng cục Đường sắt vào miền Nam thi đấu nay mỗi người mỗi ngả nhưng vẫn vượt khó tập trung cùng nhau tại festival. Ảnh: QUANG THẮNG

Chiều 14-4, Minh Điểm với cái đầu bạc trắng vẫn ra sân và Mai Đức Chung vẫn với cái dáng cao cao, gù gù cố ghi bàn thắng vào lưới Lưu Kim Hoàng như hồi 39 năm trước từng ghi trên sân Thống Nhất trong trận cầu lịch sử. Những bước chạy nặng nề, những gương mặt khắc khổ hơn vì tuổi tác và vì bươn chải với cuộc sống nhưng họ vẫn có cùng một nụ cười và niềm hạnh phúc trong ngày trở lại sân cỏ ôn những kỷ niệm đẹp thời gian khó.

Chiều 14-4 đấy trong số thế hệ cầu thủ cha anh đấy, rất nhiều người ngồi lại điểm xem ai còn, ai mất. Buổi chiều mà Phan Kim Lân đến sân Thống Nhất bằng chiếc xe lăn ngồi rưng rưng nhớ lại kỷ niệm buổi chiều 16-1-1983 ông mang băng đội trưởng ghi bàn vào lưới Sở Công Nghiệp. Ông Lân dù chân tay co rúm và bệnh nhưng vẫn còn nhắc lại và nhớ đến người bạn già Tam Lang từng thăm mình khi liệt giường thế mà “Nào ngờ anh ấy lại “giành” đi trước tôi…” - ông Lân ngậm ngùi kể.

Lại nhớ đến những cái tên sau nghiệp bóng đá sống cơ cực như thủ môn Rớt phải chạy xe đạp ôm và bây giờ thì nâng cấp lên xe máy ôm ở Huế; nhớ Phạm Văn Rạng những ngày cuối đời sống thui thủi ở sân Thuận Kiều; nhớ Đỗ Thới Vinh nằm ở sân Kỵ Mã trong những ngày cuối đời…

Sau những hiệp đấu đầy kỷ niệm và hạnh phúc, họ lại quây quần bên nhau ở khuôn viên nhà hàng Thỏ Berni trong khuôn viên sân Thống Nhất và nhớ về các đồng đội không may đã nằm xuống, nhớ những kỷ niệm đẹp một thời hào hùng. Và thật ý nghĩa khi hầu hết đều có chung một tấm lòng, một nghĩa cử đó là làm sao để các mảnh đời sau nghiệp bóng đá bớt cơ cực…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm