Bốc thăm AFF Cup 2018: Dễ thở, không dễ chơi!

Sau cuộc bốc thăm AFF Cup 2018 vào chiều 2-5, đội tuyển Việt Nam nằm chung bảng A với Campuchia, Lào, Myanmar và Malaysia. Bảng còn lại là Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines và đội thắng trong cặp play off giữa Đông Timor và Brunei.

Nhiều người thở phào khi thầy trò ông Park rơi vào bảng đấu nhẹ ký hơn so với đối thủ lớn Thái Lan nhưng thực tế chẳng có bảng nào tử thần cả. Đội tuyển Việt Nam từ lâu đã là một thế lực ở Đông Nam Á với rất nhiều lần lọt vào nhóm bốn đội mạnh nhất. Tính cả trước và sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam luôn vào đến bán kết, trừ năm 2004 và 2012. Cho nên thách thức muôn thuở cho đến tận thời của HLV Park Hang-seo là chức vô địch chứ không phải chỉ tiêu bán kết.

Quanh đi quẩn lại, làng bóng Đông Nam Á trong suốt 11 kỳ chơi giải AFF Cup mới ghi tên bốn nhà vô địch là Thái Lan (năm lần), Singapore (bốn lần), Việt Nam và Malaysia (mỗi đội một lần). Gọi là giải vô địch Đông Nam Á nhưng lịch sử AFF Cup chỉ thực sự hấp dẫn ở vòng bán kết. Nó gần như chỉ là cuộc chơi của bốn đội bóng lớn từng vô địch, cộng thêm Indonesia cũng là một đối thủ đáng gờm. Đội này đã nhiều lần vào chung kết nhưng chưa vô địch lần nào.

Việt Nam vào bảng A gặp lại Myanmar và Malaysia, Lào, Campuchia. Ảnh: AFF

Thái Lan và Indonesia từng vào chung kết hai năm trước sẽ gặp nhau ở vòng bảng. Ảnh: AFF

Bóng đá Việt Nam ở đấu trường AFF Cup hay ngán ngại Thái Lan và thường đưa họ lên như một đối trọng gây trở ngại lớn. Nó xuất phát từ tâm lý run rẩy do thua nhiều hơn thắng và lâu dần trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Tuy nhiên, những kỳ AFF Cup gần đây, các thế hệ đội tuyển Việt Nam còn bị cả Indonesia (2016), Malaysia (2014) qua mặt. Trước đó, thời của HLV Calisto (2010) và Phan Thanh Hùng (2012), tuyển Việt Nam còn thua cả Philippines.

VFF chưa từng áp đặt chỉ tiêu cho các đội tuyển Việt Nam phải vô địch AFF Cup mà thường nói nhẹ đi nhằm giảm tải áp lực là vào bán kết. Thế nhưng ai cũng ngầm hiểu là nếu không thể lên ngôi, gần như các HLV cả nội lẫn ngoại đều khó lòng tồn tại. Chức vô địch AFF Cup đối với làng bóng Việt Nam thời điểm này càng cấp bách hơn vì cái hạn phải 1-2 lần vô địch Đông Nam Á để hoàn thành “Tầm nhìn chiến lược từ năm 2013 đến 2020” đã sắp cạn.

Vì thế, nhiệm vụ của thầy trò Park Hang-seo sắp tới ở AFF Cup 2018 rất nặng nề, dẫu có thể nằm ở bảng đấu dễ thở nhưng để đi đến cái đích cuối cùng không dễ chơi chút nào.

 Bảng A, xét theo truyền thống, số lần vô địch và mặt bằng hiện nay thì Việt Nam và Malaysia là hai ứng viên sáng giá nhất cho hai vé vào bán kết. Trong khi đó Myanmar nổi lên gần đây được xem là ẩn số cạnh tranh nhắm vào hai đội Việt Nam hoặc Malaysia. Còn lại Campuchia và Lào chưa phải là đối trọng đáng chú ý.

 Bảng B, đội giàu thành tích nhất là Thái Lan với năm lần vô địch mùa này sẽ vắng bốn trụ cột gồm Dangda, Bunmathan, Chanathip và thủ môn Kawin do bận khoác áo các CLB Nhật và Bỉ. Tuy nhiên, họ vẫn được xem là ứng viên vô địch.

Cũng ở bảng B, Indonesia là đội bóng có nhiều tham vọng. Hai năm trước họ từng ngăn giấc mơ chung kết của Việt Nam khi thắng cả trong hai lượt đấu.

Philippines cũng là đối thủ đáng gờm. Họ không mạnh ở SEA Games nhưng vào AFF Cup lại chứng tỏ nội lực của đội bóng Đông Nam Á mang phong cách châu Âu.

TẤN PHƯỚC 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm