Bóng bàn Việt Nam khó lặp lại thành tích tại SEA Games 25

Là một trong những ĐT tập trung muộn nhất (đầu tháng 7), nhưng bóng bàn Việt Nam vẫn phải loay hoay với bản danh sách triệu tập tuyển thủ sau đó, khi chúng ta không có nhiều nhân tố mới, trong khi các gương mặt trụ cột cũng không còn nhiều tâm huyết và đã bước qua thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp.

Rất nhiều tay vợt vì nhiều lý do mà không lên tuyển tập trung lần này, khiến các nhà quản lý bóng bàn Việt Nam không khỏi đau đầu. Việc tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang xin được tập luyện tại TP HCM khiến bộ môn bóng bàn chạy đôn chạy đáo tìm người thay thế.

Bóng bàn Việt Nam khó lặp lại thành tích tại SEA Games 25 ảnh 1

Kiến Quốc vẫn là niềm hy vọng số 1 của bóng bàn Việt Nam
Dù cơ hội của đội tuyển nữ ở SEA Games năm nay không có nhiều nhưng dù sao, Mỹ Trang cũng là tay vợt tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Rất may là Mỹ Trang lại nhận lời trở lại, giúp cho đội tuyển nữ vơi đi rất nhiều nỗi lo về lực lượng. Dù vậy, với 4 tay vợt nữ là Mỹ Trang, Việt Linh, Thiên Kim và Tường Giang, rất khó để bóng bàn nữ làm được “cái gì đó” tại SEA Games lần này.

Trong khi ở ĐT nam, 4 trụ cột vừa tham dự giải VĐTG là Đoàn Kiến Quốc, Đinh Quang Linh, Trần Tuấn Quỳnh và Nguyễn Thành Luân cũng có mặt. Điều dễ nhận thấy là dù có chủ trương trẻ hóa trong năm nay nhưng kế hoạch này có thể sẽ phải lùi thêm 1 thời gian nữa, khi mà sân chơi SEA Games vẫn là sân chơi mà bóng bàn Việt Nam đặt nặng thành tích.

Từ các giải VĐQG, Cây vợt vàng, thậm chí là giải trẻ ĐNA, những gương mặt trẻ như: Văn Nam, Hoàng Chung, Ngọc Tú, Tiến Đạt...đều đã chơi rất xuất sắc. Những nhà quản lý bóng bàn Việt Nam luôn cho rằng không có ai đủ sức thay thế các đàn anh, đàn chị. Tuy nhiên, đó là vì bóng bàn Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý. Muốn có VĐV kế thừa thì quan trọng nhất là bóng bàn Việt Nam phải có chiến lược đưa các VĐV trẻ vào tập luyện cũng như thi đấu cùng đội tuyển.

Thực tế, không chỉ có rất ít tay vợt trẻ, mà ngay cả những VĐV trụ cột của ĐTQG nhiều năm nay, cũng chẳng còn mặn mà gì lên tuyển. Ngoài chế độ đãi ngộ không tương xứng, thì đã nhiều năm nay, đã tồn tại 1 lý do mang nặng tính cục bộ. Ở trên tuyển luôn ra tình trạng, các HLV địa phương lên đội tuyển họ chỉ chuyên tâm huấn luyện cho VĐV của mình ở CLB, chứ ít  huấn luyện cho các VĐV khác.

Chuyện đó còn chưa thực sự đáng sợ bằng một số trường hợp dù là HLV ĐTQG nhưng lại nghiên cứu lối đánh, trường phái của địa phương khác để tập cho VĐV mình nhằm giành đánh bại các đối thủ tại giải vô địch quốc gia.

Đó là chưa kể, bóng bàn Việt Nam luôn có những vấn đề rắc rối khi đi ra thi đấu quốc tế. Vụ việc các tay vợt nam bỏ cuộc tại giải VĐTG hồi tháng 5 cho thấy, chúng ta vẫn còn thiếu chuyên nghiệp.

Với những vấn đề đó, bóng bàn Việt Nam cứ giậm chân tại chỗ. Hai năm kể từ khi tạo nên cơn địa chấn tại SEA Games 25 với tấm HCV đôi nam, lực lượng của đội tuyển nam vẫn không có sự thay đổi đáng kể nào. Còn về tư tưởng, có lẽ những người lạc quan nhất cũng không nghĩ Việt Nam lại có thể bước lên đỉnh cao nhất một lần nữa.

Bước vào kỳ SEA Games lần này, đối thủ của bóng bàn Việt Nam chủ yếu vẫn Singapore (nhập tịch VĐV Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia. Mọi hy vọng vẫn dồn vào các tay vợt nam với hy vọng kinh nghiệm của Kiến quốc sẽ giúp bóng bàn Việt Nam vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.

Đội tuyển bóng bàn Việt Nam sau khi không thể tham dự giải VĐCA vì giải hủy tổ chức, chỉ tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội dưới sự dẫn dắt của HLV Lê Xuân Phong. Cuối tháng 9, các tuyển thủ trở về địa phương thi đấu giải các CLB mạnh toàn quốc. Tiếp đó, đội đã có chuyến tập huấn tại Trung Quốc từ ngày 5/10 đến 5/11, trước khi di chuyển thẳng sang thẳng Indonesia để tranh tài tại SEA Games.

Theo Hiểu Minh (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm