Bóng đá Thái khống chế thị trường Việt

Nhắc lại thị trường bóng đá Việt được người Thái chen vào thì vẫn có nhiều người thích chuyển sang câu chuyện người Thái hiện diện trong chức vô địch Premier League của Anh. Đó là kỳ tích của ông chủ Tập đoàn King Power - Vichai Srivaddhanaprabha, người đã mua lại CLB Leicester City ở hạng dưới năm 2010 với giá 39 triệu bảng. Bốn năm sau thì Leicester City đoạt vé lên chơi ở Premier League và mới đây CLB này đã là nhà vô địch Anh, vượt lên hết mọi kỷ lục của làng bóng xứ sở sương mù.

So với doanh nghiệp Thái Lan mua Big C thì Tập đoàn King Power của ông chủ đội Leicester lớn hơn rất nhiều.

13 năm trước, khi hỏi các cầu thủ Thái Lan đâu là thị trường bóng đá mà họ thích nhất thì tất cả đều nói đó là Việt Nam. Bắt đầu từ thương vụ mang Kiatisak về phố núi, sau đó mở ra hàng loạt cuộc “di dân” mà cầu thủ Thái chọn điểm đến là Việt Nam. Có cầu thủ Thái chỉ sang Việt Nam đá vài mùa rồi xin được nhập tịch không phải vì yêu Việt Nam mà yêu túi tiền của các ông chủ Việt. Những Nirut, Sakda… sẵn sàng có thêm một quốc tịch để thỏa mãn yêu cầu thêm một ngoại binh ra sân nhờ quốc tịch Việt.

Leicester City của ông chủ Thái Lan vô địch Premier League. Ảnh: GETTY IMAGES

HLV Kiatisak trong chuyến thăm Leicester City và gặp tất cả nhân vật hàng đầu của CLB này. Ảnh: FB ZICO

Cầu thủ Thái chen chân vào thị trường Việt có một đặc điểm đáng ghi nhận là tính cộng đồng của họ. Đấy là lý do vì sao bầu Đức từng mua Lee Nguyễn với giá rất cao nhưng Lee chịu không nổi những cầu thủ Thái dìu dắt nhau và cô lập Lee, hất Lee khỏi HA Gia Lai. Các cầu thủ Thái đồng loạt đến Việt Nam rồi đồng loạt rời Việt Nam góp sức cho các CLB Thái theo lời kêu gọi của lãnh đạo LĐBĐ Thái sau khi cải cách Thai-League.

Có lần tôi hỏi các cầu thủ Thái Lan khi trở về khoác áo các CLB Thái rằng thu nhập khi về Thái có cao hơn Việt Nam không, tất cả đều trả lời không cao bằng. Tuy nhiên, họ khẳng định là vẫn muốn về khoác áo các CLB Thái bởi sự phát triển chuyên môn và tính lành mạnh của Thai-League so với V-League.

Còn nói về việc phát triển Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG của bầu Đức thì cũng phải kể đến chuyện của người Thái đã làm trước. Trong lần sang Thái bầu Đức đã được cầu thủ Dusit dắt đi tham quan tìm hiểu Học viện Bangkok Arsenal JMG do chính phủ Thái đầu tư. Sau khi chứng kiến các cầu thủ nhí Thái Lan tâng bóng cả ngày bằng đủ mọi bộ phận trên cơ thể thì bầu Đức bắt đầu nghĩ đến việc phải mở học viện như người Thái đã mở. Và khi bầu Đức mở học viện được chưa đầy hai năm thì Thái Lan lại chủ động ngưng ký kết với Arsenal do tính khả thi không cao so với điều mà bóng đá Thái Lan cần. Bây giờ thì người Thái lại quan tâm hơn đến lò Leicester City - nơi có 30 cầu thủ trẻ Thái Lan đang tập huấn. Nhiều lần HLV trưởng Thái Lan Kiatisak cũng đến đấy tham quan học hỏi và tính chuyện tương lai cho đội tuyển Thái Lan lẫn những chuyến tập huấn.

Từ chuyện người Thái chen vào thị trường bóng đá Việt Nam và xem là điểm đến lý tưởng, đến nay người Thái đã có một bước tiến xa hơn khi khống chế ngược lại thị trường bóng đá Việt. Đó là trận chiến trên sân Mỹ Đình năm ngoái với kết quả 3-0 và một bàn thắng kinh điển sau 17 cú chạm bóng. Mới đây, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng cũng chia sẻ rất thật là đừng nghĩ đến chuyện vượt qua người Thái mà hãy nghĩ đến vượt qua Malaysia, Singapore trước.

Với giá ban đầu 39 triệu bảng (2010), bốn năm sau (2014) Leicester lên chơi ở Premier League. Sau đó ông chủ người Thái tuyên bố sẽ chi 180 triệu bảng để đưa đội bóng giành quyền đá ở cúp châu Âu trong vòng ba năm. Và thực tế đã vượt quá mong đợi khi Leicester trở thành tân vô địch kéo theo những món lợi kếch xù của ông tỉ phú ngành bán lẻ của Tập đoàn King Power. Câu chuyện cổ tích của đội bóng có ông chủ là tỉ phú Thái giờ cũng lan sang với bóng đá Thái gắn với giấc mơ World Cup.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm