Bóng đá tình cảm

Nó thường rơi vào các đội bóng dư dả điểm số mà chỉ cần “khêu gợi” đúng lúc là xác suất thành công rất cao.

Một HLV từng lăn lộn nhiều ở V-League kể lại câu chuyện cười ra nước mắt. Đấy là việc cầu thủ của ông giữa hiệp đấu vô “méc” thầy về tình huống cầu thủ đội bạn cứ chạy theo năn nỉ: “Bọn em trụ hạng rồi, anh thì già, chỉ mong đội ở lại V-League đá thêm mùa nữa kiếm tiền nuôi vợ con. Em mà đá thắng chẳng khác nào đá bể nồi cơm của bọn anh”.

Đứng trước hoàn cảnh ấy, cầu thủ rất dễ mủi lòng hoặc rất khó đá bởi có thua cũng là cái thua chung mà lại giúp đồng nghiệp mình không rơi vào cảnh thất nghiệp.

Cũng có những trò láu lỉnh khác mà giới cầu thủ hay kể nhau nghe về việc đối phương theo năn nỉ không xong lại hăm dọa “chặt chân” hoặc lừa nhau rằng đã “chung đủ” cho cả đội rồi sao không chịu buông.

Bóng đá tình cảm bây giờ có thể không còn sỗ sàng và trắng trợn như thế nhưng việc cầu thủ thiếu động lực đá lỏng chân là có thật. Nói như HLV Ngô Quang Sang của ĐT Long An về nhiều đội ở thế an toàn, nghĩa là lên không được, xuống không xong sẽ rất khó cho lãnh đội buộc họ phải chơi hết sức mình. Có thể cầu thủ không chủ trương cho điểm, không có suy nghĩ tiêu cực nhưng vì tình cảm đồng nghiệp và thân thiết với nhau trong bối cảnh đá thua chẳng ảnh hưởng gì nên dễ nhường nhịn. Hơn nữa,việc giúp bạn trong cơn nguy khốn còn có lợi cho mùa sau chẳng may bị rơi vào thế ngặt nghèo còn có “phao” mà bấu víu.

Bóng đá tình cảm kiểu đấy khác với chiêu trò cầu thủ lợi dụng sự thiếu tích cực của đồng đội khi không còn động lực phấn đấu để “đánh quả” trên mạng cá cược hoặc thông qua các thành phần xã hội khác. Nó từng để lại hậu quả đau đớn như một nhóm cầu thủ V. Ninh Bình năm ngoái bị bắt vì làm độ tại AFC Cup hay cầu thủ Đồng Nai “làm ăn” ở V-League.

Đá bóng vì tình hay vì tiền cũng đều là những dạng thức của tiêu cực với nhiều diễn biến tinh vi mà ban tổ chức giải có biết vẫn khó lòng đưa ra ánh sáng trị tận gốc.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm