Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế:

‘Cần mổ xẻ thất bại của U-22 Việt Nam’

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế (ảnh) là người hiểu rất rõ về quá trình chuẩn bị lẫn nền tảng của U-22 Việt Nam. Ông cũng nghiên cứu rất kỹ về các quy định của FIFA. Ông có cuộc trao đổi quanh những điều người hâm mộ quan tâm với Pháp Luật TP.HCM.

Không ai như ta: Dưới teo trên phình

. Phóng viên:Trước tiên chúng ta nói về dư luận vừa qua thất vọng về U-22, theo ông cội nguồn của vấn đề là thế nào?

+ Chuyên gia Trịnh Minh Huế: Trước tiên nói về con người. Chúng ta có những cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đó là những cầu thủ về chất lượng không thua kém bất kỳ cầu thủ nào cùng tuổi ở khu vực Đông Nam Á. Kỹ thuật, chuyên môn đều tốt nhưng chúng ta thua cái gì? Đó là về tâm lý, bản lĩnh, sự trui rèn, sức bền, sức mạnh. Thua từ những điều cầu thủ thể hiện trên sân, thua trên hàng ghế ban huấn luyện, về nhãn quan. Thua về công tác chuẩn bị, tâm lý, đấu pháp và cả một chiến lược không chỉ nằm ở VFF mà cả ở Tổng cục TDTT.

Giải bóng đá của Thái Lan Thai-League 1 có 18 đội, Thai-League 2, Thai-League 3 có 20, 22, 24 đội thì cầu thủ mỗi mùa giải đá 50-60 trận nên bản lĩnh rèn giũa rất tốt. Chẳng phải vô cớ mà FIFA, UEFA yêu cầu một giải vô địch quốc gia có 18-20 đội. Còn ở ta thì V-League có 14 đội, hạng nhất lại bảy đội. Thế giới không có mặt bằng giải quốc gia nào mà dưới teo trên phình như thế cả. Mỗi cầu thủ trẻ của ta một năm đá 6-7 trận thì họ làm sao phát triển, bản lĩnh, sức mạnh, sức bền, tâm lý… Lấy đâu ra để họ xây dựng, tích lũy tốt được.

. Sau thất bại của U-22, dư luận lại nói về lãnh đạo VFF phải từ chức rồi ở trên thì cứ nói là sợ FIFA phạt, ông thấy vấn đề này thế nào?

+ Chúng ta nên hiểu rạch ròi chỗ này, FIFA không quan tâm người đó là Nhà nước hay của ai, miễn anh ngồi vào đó thực thi đúng trọng trách của tổ chức xã hội. Chúng ta thấy tướng quân đội của Indonesia, tướng cảnh sát của Thái Lan ngồi vào ghế chủ tịch, hay bộ trưởng Thể thao Nga ngồi ghế chủ tịch LĐBĐ. VFF cũng có nhiều vị thứ trưởng, bí thư ngồi vào ghế chủ tịch rồi… chẳng sao cả. Vấn đề là phải điều hành tổ chức này đúng vai trò của nó. Khi dư luận xã hội lên tiếng và lên tiếng gay gắt thì phải mổ xẻ và phía nhà nước cần phải quan sát. Nếu người của mình sai thì nhà nước có thể rút người của mình về để thực thi yếu tố xã hội của tổ chức và đảm bảo tính công bằng và tìm người thay thế xứng đáng như dư luận mong đợi. Đó là điều bắt buộc của một tổ chức xã hội.

. Những điều ông nói ra lại có ý kiến cho rằng chỉ trích thì dễ nhưng đưa ra giải pháp thì thế nào?

+ Một khi dư luận chỉ trích gay gắt vì sự thất vọng của bóng đá thì Tổng cục TDTT phải xem xét vấn đề nghiêm túc và phải có sự thay đổi như dư luận đòi hỏi. Tổng cục chỉ đạo VFF lập ban trù bị để cân nhắc người lên thay thế. Ban trù bị đó có thể là những người trong Ban Chấp hành VFF nhưng là một ban trù bị đúng nghĩa là mổ xẻ vấn đề và cân nhắc người đúng tầm lên thay thế. Có khó gì, khối người lên đủ khả năng làm được, đừng nghĩ không ai làm được. Tất nhiên cả một ban bệ là phải có giải pháp đúng đắn. Việc gì mà ngại FIFA trừng phạt, có rất nhiều người không rõ vấn đề này.

Đừng đổ cho cầu thủ, cũng đừng đổ hết cho HLV Hữu Thắng mà hãy nhìn vào nền bóng đá không mạnh thì làm sao có một đội tuyển mạnh. Ảnh: HUY PHẠM

“Thua là đúng”

. Vừa qua chuyện HLV Hữu Thắng từ chức, HLV Mai Đức Chung được chỉ định tạm quyền, danh sách đội tuyển đá với Campuchia lại xảy ra tranh luận gay gắt?

+ Tôi thật buồn cười vì anh Viễn (ông Phạm Ngọc Viễn - Trưởng ban Chiến lược VFF) và anh Mai Đức Chung, những con người mang tiếng là giỏi chuyên môn lại tranh luận sai. Đội tuyển nó phải là thuộc về Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT triệu tập… vì nó thuộc về quốc gia. HLV Mai Đức Chung làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia cũng là người của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, do yếu tố nhà nước chỉ định. Trong quá trình lập danh sách đội tuyển thì có các ban Hội đồng HLV quốc gia, ban các đội tuyển, ban chiến lược… gì gì đó tham gia tranh luận, mổ xẻ vấn đề để đi đến thống nhất danh sách rồi trình lên VFF. Sau đó trình lên Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT. Chứ ai lại để mình anh Chung chọn rồi mang ra cãi vã. Điều này cho thấy họ làm sai nguyên tắc và qua việc cả hai cãi vã, cả hai cùng sai nó lòi ra nhiều thứ buồn cười ở việc tập trung đội tuyển không giống ai cả.

Thật buồn cười. Nên nhớ rằng HLV cấp độ đội tuyển quốc gia, các đội tuyển quốc gia đều do nhà nước quản lý và trả lương. Chúng ta có nhớ khi đội tuyển Pháp thất bại tại World Cup mà cả ban huấn luyện phải ra Quốc hội điều trần trong một phiên họp Quốc hội không.

. Quay trở lại đội U-22 Việt Nam, như cách ông nói thì chúng ta thua vậy là không oan gì cả?

+ Thua là đúng nhưng qua đó mà chỉ trích cầu thủ là không đúng. Chỉ trích HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng không sòng phẳng, vì trong thất bại đấy còn nhiều thứ lắm. Về mặt con người, HLV có nhiều cái sai lầm. Gặp ba đội yếu trước đó đưa đội hình mạnh ra để chơi hết mình, ghi nhiều bàn thắng… để làm gì. Thế rồi khi gặp Indonesia, Thái Lan với một lịch đấu dày đặc, cầu thủ Việt Nam vốn đã yếu lại gặp lịch đấu như thế thì khó bảo toàn sức nên thua là phải. Công tác chuẩn bị tâm lý cho cầu thủ cũng quá kém. Dường như ban huấn luyện cũng chẳng hiểu gì về Thái Lan là ai nữa. Chơi với Thái Lan lấy một đội hình công để rồi ngay vào trận bị phản đòn và trả giá ngay tức khắc.

Đó là nói về một trận đấu, giải đấu, còn về cơ cấu bóng đá Việt Nam thì dài dòng lắm… Tất cả nó đều có ảnh hưởng trực tiếp. Một đội tuyển quốc gia mạnh khi có một giải vô địch quốc gia mạnh. Bóng đá ta thì tràn lan tiêu cực ra đó, có trận nào đá thật không? Rồi sân bãi kém chất lượng như thế, cầu thủ thì đá bạo lực như thế, thử hỏi làm sao có một nền bóng đá mạnh để rồi có đội tuyển quốc gia mạnh. Ngoài ra còn nhiều vấn đề bất cập khác nữa mà tôi hứa sẽ trả lời cụ thể hơn vào dịp gần nhất.

. Xin cám ơn ông.

Ngay công tác trọng tài VFF đã sai lè lè vì không quốc gia nào làm thế cả

“Về công tác trọng tài thì giám sát trọng tài lại có mặt trong ủy viên Ban Chấp hành VFF. Tôi muốn nói chỗ anh Mùi đấy. Rồi chính anh Mùi lại ký quyết định về các vấn đề liên quan đến kỷ luật trọng tài… Như thế đâu có đúng luật. Thế giới họ có làm vậy đâu. Chỉ có ta làm thế thôi. Rồi có cái nền bóng đá nào mà một ông chủ có bốn đội bóng đâu. Ta thì nó vẫn có và cứ vẫn tồn tại thì làm sao phát triển được…” - chuyên gia Trịnh Minh Huế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm