Khi ông Miura lo chấn thương

Ông Miura sợ nguy cơ chấn thương tiềm ẩn sẽ làm hao tổn lực lượng, sau khi trả về hai cầu thủ U-23 bị đau là Văn Long và Hoàng Thịnh. Còn lại một số cầu thủ khác gồm Huỳnh Tấn Tài, Phúc Tịnh, Huy Hùng, Hoàng Lâm chưa thể tập chung với đồng đội.

Trên đội tuyển quốc gia có Thành Lương và hậu vệ Xuân Thành chia tay vì chấn thương, buộc ông Miura phải bổ sung Quang Hải và trong các trận đá tập phải đưa thủ môn lên chơi cho đủ đội hình.

Vấn nạn chấn thương trên tuyển là điều không mới dưới thời Miura và giới chuyên môn từng đặt ra câu hỏi lỗi tại giáo án huấn luyện hay tại cầu thủ? Có người bị chấn thương từ trước khi lên tuyển và cũng có người do tập luyện quá tải hoặc thi đấu quá máu lửa dẫn đến gãy xương sườn như Hoàng Thịnh.

Bây giờ thì mới chỉ sau hai trận đá tập, cả hai đội tuyển đều gặp nhiều chấn thương bất đắc dĩ khiến ông Miura hốt hoảng cho khám sức khỏe và gia giảm khối lượng tập luyện.

Cầu thủ dưới triều đại Miura luôn phải ý thức chơi hơn sức mình ở mỗi lần ra sân, bất kể tập luyện hay thi đấu. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ lâm vào tình huống bất lợi giữa cách ứng xử sao cho khỏi chấn thương mà vẫn giữ được sự máu lửa.

Ví như ở trận đá với U-23 Hàn Quốc, có bốn lần thay người của ông Miura đều rơi vào các cầu thủ bị chấn thương vì vào bóng quá quyết liệt hoặc va chạm ở thế kèo dưới. Sự hăng say muốn thể hiện mình còn diễn ra ngay trong buổi đấu tập nội bộ giữa hai đội tuyển lớn và nhỏ, nhiều cầu thủ không ngần ngại đá hết chân để lấy điểm trong mắt thầy và “lấy số” với đồng nghiệp.

Không phải cầu thủ nào cũng giữ được cái đầu lạnh để phân biệt rõ những nguy cơ chấn thương và giữ lửa tinh thần trong mỗi cuộc chơi giúp ông Miura đỡ hồi hộp giữ đội hình mạnh nhất cho các mặt trận.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm