Kịch bản chung kết Việt Nam-Thái Lan

Tất nhiên tất cả mới chỉ là dự đoán dựa trên những gì đã diễn ra sau hai vòng đấu ở cả hai bảng. Dù Thái Lan và Việt Nam qua hai vòng đấu này đều đã bị thủng lưới và cũng lộ ra không ít điểm yếu nhưng giới chuyên môn trong khu vực đều đánh giá cao hai đội bóng đang dẫn đầu hai bảng với 6 điểm tuyệt đối.

Thái Lan đã chắc chắn nhất bảng A trong khi Việt Nam cũng có đến 90% duy trì được vị trí đầu bảng sau trận gặp Campuchia. Đó là cơ sở đầu tiên để giới chuyên môn vẽ ra một kịch bản trước mắt là hai đội mạnh nhất hiện tại sẽ không gặp nhau ở bán kết. Và nếu vẫn duy trì được sức mạnh đấy thì cả Việt Nam lẫn Thái Lan sẽ có cơ hội gặp nhau ở chung kết.

Tất nhiên đó chỉ là lý thuyết khi mà bảng A cả Philippines, Indonesia và Singapore đều chưa tắt hy vọng tranh chấp ngôi nhì sau Thái Lan, còn bảng B thì Myanmar và Malaysia sẽ sống mái với nhau để giành suất thứ hai bảng này.

Hoàng Thịnh (trái),tiền vệ được chuyên gia Steve Darby đánh giá cao trong thành phần đội tuyển Việt Nam. Ảnh: AFF NEWS

Thái Lan qua hai trận đầu vòng bảng chưa cho thấy họ mạnh mẽ như đã từng hòa Úc ở trận cuối vòng loại World Cup cách đây hai tuần. Phân tích như chuyên gia Steve Darby - từng là trợ lý đội tuyển Thái Lan năm 2008, nay là bình luận viên tại AFF Cup thì: “Tôi mong chờ Việt Nam gặp Thái Lan ở chung kết dù cả hai đều chưa toàn diện nhưng lại đang đi đúng hướng và cho thấy là hai đội mạnh nhất hiện nay. Nếu Việt Nam có hai tiền vệ trung tâm rất giỏi là Xuân Trường và Hoàng Thịnh giữ được xương sống của đội tuyển Việt Nam thì Thái Lan khắc phục được sự chậm chạp, yếu kém của cặp trung vệ bằng sự vượt trội của cặp tiền vệ trung tâm là Sarach và Pokklaw. Những cầu thủ vừa là lá chắn trước hàng phòng ngự, vừa tạo sự yên tâm cho các tiền vệ tấn công như Chanathip tự do hoạt động...”.

Ông Steve Darby thích thú với trận chung kết mong đợi vì cả hai đều sở hữu hai tiền đạo giàu kinh nghiệm là Công Vinh (Việt Nam) và Dangda (Thái Lan).

Nhưng lịch sử AFF Cup cũng từng chứng minh những đội bóng khó khăn ở vòng bảng lại thường có những giây phút xuất thần khi vào vòng knock out tại bán kết. Như Việt Nam năm 2008 lách qua khe cửa hẹp nhờ bàn thắng “rùa” của Vũ Phong và sau đó vùng dậy đi một mạch đến cúp vô địch. Hay Singapore năm 1998, 2004, Malaysia năm 2010 đều là những đội ì ạch theo kiểu ẩn mình ở vòng loại.

Xét cho cùng thì những đội đang cạnh tranh vé thứ hai ở mỗi bảng vào bán kết chỉ có hai đội cứng cựa và bản lĩnh đó là Malaysia (bảng B) và Indonesia (bảng A). Malaysia thể hiện là một đội rất khó chịu khi cần chơi thứ bóng đá thực dụng, còn Indonesia thì hừng hực với lối chơi tấn công mà chưa khắc phục được phòng ngự.

Các chuyên gia, các bình luận viên đánh giá cao hai đội Việt Nam, Thái Lan vì lối chơi có tổ chức và vì những cá nhân được ghi nhận cao. Chính các nhà cái cũng vào cuộc và đánh giá cao hai đội Việt Nam, Thái Lan với tỉ lệ vô địch cao nhất thuộc về Thái Lan rồi đến Việt Nam kế tiếp.

Hy vọng là lý thuyết cùng việc đánh giá cao đấy không làm thầy trò HLV Hữu Thắng chủ quan mà ngược lại vẫn cẩn thận khắc phục những điểm yếu của mình để ngày một hoàn thiện hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm