V-League thời phân hóa

Trước đây bầu Đức từng tuyên bố muốn vô địch là vô địch bởi trong tay ông có thứ quyền lực rất lớn là “đồng tiền đi trước”. Cái thời mà mùa đầu HA Gia Lai làm tân binh V-League đã có nửa đội hình là tuyển thủ quốc gia cộng với dàn sao Thái cũng toàn tuyển thủ quốc gia. Họ mạnh đến độ không chỉ đạt đích vô địch mà còn “cứu” cả những đội bóng thân thiết như từng “cứu” Hải Phòng thoát xuống hạng mùa 2004 hay giúp Nam Định có thứ hạng tốt để đổi lấy Văn Nhiên về phố núi.

Cùng thời bầu Đức là bầu Thắng làm chuyên nghiệp căn cơ, không rải tiền kiểu bầu Đức nhưng lại có trong tay thầy phù thủy Calisto biết dụng nhân và hiểu rõ bóng đá Việt Nam như lòng bàn tay.

Sau thời hai ông bầu Gỗ - Gạch là triều đại của B. Bình Dương với cơ chế thoáng dưới hầu bao của Becamex được tỉnh ưu ái trao quyền khai thác cùng nghĩa vụ “nuôi và dạy” đội bóng.

Cuộc đọ sức giữa Sài Gòn và SHB Đà Nẵng, hai đội bóng bị xem là “con” của bầu Hiển và khác rất xa so với kiểu làm của CLB TP.HCM. Ảnh: XUÂN HUY

Có tiền đổ vào B. Bình Dương làm nên “dream team” và có liền hai chức vô địch V-League 2007, 2008. Thế lực đấy còn kéo đến mùa 2015 rồi mới xóa đi làm lại với việc cắt đi rất nhiều tài chính từ công ty mẹ.

Nhưng ông bầu làm bóng đá rình rang nhất cùng những quan hệ mạnh nhất phải kể đến là bầu Hiển. Danh chính ngôn thuận thì bầu Hiển có một đội Hà Nội (trước là Hà Nội T&T) nhưng giới bóng đá và kể cả các quan chức bóng đá thì ai cũng biết ông bầu này có rất nhiều “con”.

Nhiều người “nể” bầu Hiển không phải vì cái kiểu phì phà tẩu trên sân Hàng Đẫy mà là cái cách ông “nuôi” những đội bóng mà vẫn “ăn nên làm ra” trong khi nhiều ông bầu nuôi một đội bóng đã thấy “ngộp”. Tuy nhiên, giới bóng đá ai cũng biết ông bầu này không làm bóng đá theo kiểu lấy bóng đá nuôi bóng đá mà đa phần xem bóng đá vừa là trò vui, vừa là “nghĩa vụ” với những địa phương mà ông được nhiều ưu ái cùng nhiều dự án.

Bây giờ thì giới bóng đá lại chú ý đến một cái tên: CLB TP.HCM. Một cái tên không mới nhưng con người và cung cách điều hành thì rất mới. Nhiều người thắc mắc đây là CLB giống như của Công Vinh khi anh vừa giã từ bóng đá là nhận chức phó chủ tịch CLB rồi lên quyền chủ tịch… Thắc mắc còn ở chỗ Công Vinh cũng chỉ là người được thuê ngồi vào chỗ đấy nhưng mọi việc, mọi quyết định làm nổi cho CLB đều là “của Vinh”. Như mới đây, việc thua 0-2 trước Than Quảng Ninh trên sân Cẩm Phả cũng được Vinh “quyết” thưởng 200 triệu đồng. Hay chuyện làm sạch cái toilet và chuyện phòng thay đồ như Bayern Munich cho cầu thủ thấy mình được trân trọng.

Bây giờ hỏi đội nào là “đại gia” thì chắc chắn nhiều người sẽ nói TP.HCM mới là đội bóng đại gia khi thua cũng có thưởng và đang làm thương hiệu rất mạnh cùng cái tên Công Vinh. CLB này “mạnh vì gạo” đến độ ông chủ tịch CLB “đồng hương” Sài Gòn đã phải thốt lên: “Chúng tôi không ồn ào mà lẳng lặng làm một cách hiệu quả để không mang tiếng là nổ!”.

Hai vòng đấu, nhìn trận hòa của CLB TP.HCM rồi xem trận thắng của CLB Sài Gòn đều trên sân Thống Nhất sẽ thấy rất rõ cách làm bóng đá của hai đội bóng chọn Thống Nhất làm sân nhà. Khi mà một bên chú trọng vào bề nổi rồi mới tính đến chất, còn một bên thì lấy chất với hy vọng sẽ được người Sài Gòn chấp nhận.

Tất nhiên là để như một Cảng Sài Gòn hay Hải Quan, CA TP.HCM như ngày nào là cả một quá trình dài và nó tùy thuộc vào cái “thật” của những người làm bóng đá hay lấy bóng đá để làm nhiều cái khác.

V-League sau nhiều mùa đang cho thấy sự phân hóa bởi cách làm và nó cũng giống với sự giàu nghèo của các đội mà chẳng liên quan gì đến tương lai của một nền bóng đá, bởi chưa đội nào sống bằng tiền làm ra từ bóng đá và cũng chưa ít ông chủ nào từ bỏ chuyện nuôi đội bóng vì “nghĩa vụ”.

Thế nên cái tên cũng có năm, bảy cái tên, còn người hâm mộ thực thụ thì nhiều khi không biết đội nào là của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm