AFF Suzuki Cup 2014: Bốn chọn hai

Bảng A bốn đội thì có đến ba muốn vô địch dù trong danh sách đấy chỉ có Việt Nam là đã một lần lên ngôi. Đây không phải là bảng đấu tử thần như bảng B “nhốt” cả ba nhà vô địch cúp này với tổng cộng tám lần vô địch vào cùng một nơi. Tuy nhiên lại là bảng mà các đội tham dự đều có những thay đổi tích cực trong đó đặc biệt là những đội đang đẩy mạnh phong trào nhập tịch và kêu gọi cầu thủ con lai về khoác áo đội nhà.

VIỆT NAM: Công mạnh, thủ yếu

+ Thành tích: Vô địch năm 2008.

+ Lực lượng: Ngoại trừ một số gương mặt có kinh nghiệm từ AFF Cup 2008 như Công Vinh, Thành Lương, Minh Châu…, thành phần còn lại được trẻ hóa trong đó có nhiều cầu thủ được thử thách tại Asiad 2014 dưới thời HLV người Nhật - Toshiya Miura.

+ Điểm mạnh: Tinh thần, lối chơi nhanh, gắn bó dưới thời HLV Miura. Hàng công mạnh và khá đa dạng trong phối hợp.

+ Điểm yếu: Sự phối hợp trong hàng thủ vẫn còn chuệch choạc khác xa với thời HLV Calisto và đội tuyển ở AFF Cup 2008 dựa vào sức mạnh hàng thủ và ăn các đối thủ đều từ bóng phản công.

+ Dự báo: Với sức mạnh sân nhà, nút thắt khó khăn nhất chính là trận đầu gặp Indonesia. Giải quyết được trận này thì con đường vào sâu của chủ nhà rất khả thi, đồng thời cởi bỏ được toàn bộ áp lực tâm lý. Khả năng vào bán kết rất cao nhưng cần phải chú trọng khâu phòng ngự, đặc biệt khả năng đánh chặn từ tuyến hai cùng sự bọc lót của các trung vệ.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong loạt trận giao hữu. Ảnh: XUÂN HUY

INDONESIA: Sức mạnh và thể hình rất đáng ngại

+ Thành tích: Ba lần vào chung kết.

+ Lực lượng: HLV A. Riedl đã ứng dụng với đội Indonesia như đã từng làm với Palestine, tức kêu gọi các cầu thủ có quốc tịch Indonesia cùng những cầu thủ còn lại về khoác áo đội bóng quê nhà. Vắng ba vị trí trụ cột vì chấn thương và có một cầu thủ 19 tuổi tham dự trong đội hình.

+ Điểm mạnh: Sức mạnh và thể hình vượt trội khiến HLV Riedl cho các học trò tận dụng bóng bổng với lối chơi tạt bóng xoáy từ hai biên vào như kiểu bóng đá Anh. Đá nhanh, tốc độ vốn là ưu thế của đội.

+ Điểm yếu: Cũng như chủ nhà Việt Nam, hàng phòng ngự to, cao nhưng vẫn chưa chín chắn và chưa tạo ra sự an toàn tuyệt đối trong hàng loạt trận giao hữu toàn thua.

+ Dự báo: Sẽ đạt một suất vào bán kết dù rất chật vật. Cũng như chủ nhà Việt Nam, trận đầu tiên sẽ là trận khó khăn nhất và quyết định đến tính sống còn lớn nhất.

PHILIPPINES: Lối đá châu Âu của đội bóng Đông Nam Á

+ Thành tích: Hai lần liền vào bán kết AFF Cup và cả hai lần đó đều thắng đội tuyển Việt Nam.

+ Lực lượng: Có nhiều cầu thủ nhập tịch làm nòng cốt và thi đấu ở các giải châu Âu. Dưới sự dẫn dắt của HLV người Mỹ, đội có lối chơi phóng khoáng hơn và lực lượng cũng trẻ hóa nhiều hơn.

+ Điểm mạnh: Lối đá đơn giản với bóng dài cùng ưu thế sức mạnh lẫn chiều cao của những cầu thủ gốc Âu và Mỹ.

+ Điểm yếu: Do giải vô địch quốc gia không mạnh và sử dụng nhiều cầu thủ thi đấu ở nhiều giải khác nhau nên sự kết hợp không cao và chủ yếu thi đấu bằng kinh nghiệm và xử lý tình huống.

+ Dự báo: Đây là đội bóng nằm ở ranh giới vào bán kết và bị loại cao hơn Việt Nam và Indonesia dù họ là khắc tinh của chủ nhà. Hai trận cuối với Việt Nam và Indonesia đối với Philippines đều là những trận mang tính sống còn.

LÀO: David Booth tính cho tương lai

Mùa nào cũng phải qua vòng sơ loại và mùa nào cũng bị xem là đội lót đường dù có những lúc họ chơi thật hay. Cái thiếu lớn nhất của đội bóng này là kinh nghiệm dù gần đây giải chuyên nghiệp Lào hình thành đã giúp nền bóng đá quốc gia này phát triển cao hơn.

Lào cũng không có những chuyến tập huấn “sang” như nhiều đội nhưng dưới thời HLV David Booth thì đây là đội bóng được trẻ hóa toàn diện và nhắm đến tương lai nhiều hơn. Có thể chính tâm lý thoải mái sẽ giúp các cầu thủ Lào thi đấu hay hơn so với chính họ và nhắm đến một SEA Games 2015 cùng thành phần rất chín chắn lấy AFF Cup 2014 làm bước chạy đà.

Indonesia thắng nhanh, còn Philippines thì thắng chậm

Lối đá của Indonesia vẫn không đổi khi HLV Riedl luôn cho các học trò mình đá nhanh với sức công phá lớn. Đó cũng chính là lối chơi mà 10 năm trước cũng trên sân Mỹ Đình, Indonesia đã thắng nhanh đội tuyển Việt Nam chỉ trong 45 phút. Trong khi đó thì Philippines lại chơi theo kiểu đá chậm và dụ con mồi vào bẫy của họ. Hai trận thắng đội tuyển Việt Nam gần đây của Philippines đều từ bài giao trận địa cho đối thủ rồi tìm cơ hội phản công chỉ bằng vài đường chuyền và kết thúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm