World Cup tăng 48 đội, Việt Nam có cơ hội?

Khi World Cup còn 24 đội tham dự vòng chung kết thì Đông Nam Á đã có nhiều kế hoạch vàng dự World Cup, trong đó nổi bật nhất là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia… nhưng chưa quốc gia nào đạt đến.

Đến khi World Cup tăng lên 32 đội thì cơ hội đấy vẫn chưa đến với bóng đá Đông Nam Á. Mới đây, FIFA lại tăng số đội kể từ World Cup 2026 lên 48 đội mở ra cho nhiều quốc gia ao ước một lần dự vòng chung kết World Cup.

Khoan hãy bàn đến chuyện FIFA mở rộng số đội để tăng việc làm kinh tế mà hãy nói về điều tích cực nơi những quốc gia có nền bóng đá ở dạng trung bình và kém nhưng cùng có khát khao một chiếc vé World Cup. Tất nhiên trong số đó có bóng đá Việt Nam từng đặt ra nhiều chỉ tiêu và nhiều đề án để thực hiện.

Bóng đá Việt Nam từng hứng thú với huy chương bạc SEA Games mà vẽ ra lộ trình dự World Cup sau năm 2010, rồi cách đây ba năm lại thực hiện đến đề án dự World Cup 2030 nhưng đến nay dự án đi một đàng còn thực hiện thì một nẻo. Singapore thì có dự án Goald với thầy Đan Mạch nhưng đi chưa 1/3 đường thì xóa sổ. Thái Lan thực tế nhất đặt chỉ tiêu khi vào đến vòng loại châu Á cuối rồi gồng mình lên đá tìm suất World Cup 2018 nhưng đến nay thì đã gãy.

Thái Lan và Việt Nam tranh nhau ở “ao làng” nhưng muốn dự World Cup 2026 thì phải vào tốp 8 châu Á. Ảnh: CTV

Vậy với 16 suất thêm kể từ năm 2026, những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có cơ hội gì?

Do kế hoạch trên mới được thông qua nên FIFA chưa chính thức đưa ra những quy định cụ thể về cách phân bổ suất tham dự cho các châu lục. Tuy nhiên, dự thảo của FIFA cho thấy kế hoạch mới sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho các khu vực có nền bóng đá kém phát triển. Cụ thể trong dự thảo này, châu Phi sẽ là khu vực hưởng lợi nhiều nhất khi được tăng năm suất (từ bốn lên chín). Châu Á xếp tiếp theo khi được tăng thêm bốn suất (từ 4,5 lên 8,5)...

Với bốn suất thêm (dự thảo) đó, có nghĩa các đội Đông Nam Á muốn tìm một suất dự World Cup chắc cú sẽ phải leo vào tốp 8 châu Á (8,5 suất, trong đó tám suất chính và đội thứ chín phải đá play off với khu vực khác).

Hiện trong bảng xếp hạng FIFA mới nhất chỉ tính riêng châu Á thì đội Đông Nam Á có thứ hạng cao nhất đang ở thứ 13 sau các đội Iran, Hàn Quốc, Nhật, Úc, Saudi Arabia, Uzbekistan, UAE, Trung Quốc, Qatar, Syria, Jordan, Iraq. Riêng bóng đá Việt Nam đang xếp hạng 21 châu Á, sau Philippines, Thái Lan. Dẫu biết rằng bảng xếp hạng FIFA chỉ mang tính tương đối nhưng điều này cũng cho thấy bóng đá Đông Nam Á đang có nhiều bất lợi với bốn suất (dự thảo) còn lại.

Đó cũng là điều mà nhiều nhà chuyên môn lẫn các HLV Việt Nam không hứng thú lắm với việc tăng suất sẽ tăng cơ hội bởi cái chính là sự cách biệt về trình độ chuyên môn quá lớn trong khu vực châu Á mà ở đấy Đông Nam Á không có “vùng riêng” và cũng không có phần ưu tiên nào cả.

Sáng cửa nhất trong khu vực Đông Nam Á là bóng đá Thái Lan đang có sự chuyển mình lớn so với 10 quốc gia Đông Nam Á còn lại và trình độ của họ cho thấy đang tiệm cận với tốp 8 châu Á một cách thực tế.

Nhìn vào hành trình World Cup 2026 có 48 đội thì lứa U-19 trở xuống của Việt Nam hiện nay được xem là “đẹp” nếu có sự đầu tư đúng mức thì khoảng cách có thể được rút ngắn một cách tích cực. Lứa U-19 hiện nay đã trở thành một trong bốn đội mạnh nhất châu lục và là tiền đề rất tốt để bóng đá Việt Nam rút ngắn khoảng cách. Năm nay các em U-19 còn có dịp thi tài, học hỏi kinh nghiệm cùng các đội mạnh nhất thế giới tề tựu về Hàn Quốc tại World Cup U-20. Ngoài ra, lứa U-16 quốc gia do HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt cũng dự vòng chung kết châu Á tại Ấn Độ sẽ là một nền tảng tốt cho những chiến lược nếu được đề ra để thực thi.

Điều đáng ngại nhất hiện nay cũng là vấn đề muôn thuở của bóng đá Việt Nam đó là mặt bằng trẻ thì là hiện tượng khi đá ngang ngửa các đội đàn anh ở châu Á nhưng lên cấp U-23 và đội tuyển thì “hòa tan”, chựng lại và đi xuống. Điều này cần phải quyết liệt và có kế hoạch dài hơi cùng những chiến lược cụ thể và khoa học thay cho kiểu đưa ra để đối phó dư luận.

DUY ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm