Cả Đông Nam Á… ngước nhìn Iceland

Báo chí Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia đưa ra những bài bình luận trầm trồ khen ngợi và dẫn dắt về nền bóng đá nước mình… rồi chạnh lòng.

Bảy năm trước, Iceland có thứ hạng 112 thế giới (theo bảng xếp hạng FIFA). 18 tháng sau đó, Iceland hùng dũng vượt qua vòng loại để góp mặt ở vòng chung kết Euro 2016 tại Pháp. Tại đây họ quật ngã cả tuyển Anh. Nay người Iceland lại tiếp tục viết nên câu chuyện thần kỳ khi có mặt ở Nga. Sau khi có suất dự World Cup năm tới, thứ hạng trên bảng xếp hạng của Iceland đã vọt lên hạng 22 thế giới.

Iceland - băng đảo nằm trên biển Đại Tây Dương quanh năm băng giá, các sân bóng toàn là sân cỏ nhân tạo, có mái che như những nhà kho (theo cách mô tả của báo chí). Ở đây không có sân cỏ tự nhiên vì không thể sống ở xứ quanh năm lạnh giá này. Đến với World Cup 2018, bóng đá Iceland làm cho những ông lớn lỗi hẹn như Hà Lan, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ… phải xấu hổ.

Người dân Iceland nghỉ việc hai ngày ăn mừng chiến công của đội tuyển quốc gia. Ảnh: AFP

Báo chí Singapore mang số dân ra so sánh rồi ngẫm nghĩ về thân phận. Dân số Singapore gần 4 triệu người, gấp hơn 10 lần Iceland. Thế mà họ luôn vật vã nhiều năm nay với những đề án bóng đá lớn nhưng chẳng đâu vào đâu. Báo Star của Malaysia cũng lấy dân số hơn 40 triệu người của mình ra để nói về sự luẩn quẩn mãi, không tìm ra cách thoát khỏi “ao làng” Đông Nam Á để lên châu lục.

Báo chí Thái thì ngưỡng mộ và không quên nhắn nhủ LĐBĐ nước nhà tìm cách đi từng bước học hỏi Iceland. Làng báo Indonesia lại buồn bã với dân số 250 triệu người - quốc gia lớn nhất Đông Nam Á nhưng nền bóng đá chẳng là gì trong khu vực.

Cơn sốt ngưỡng vọng của làng bóng Đông Nam Á với “tiểu quốc” Iceland chưa dừng lại. Có nhiều chi tiết độc đáo được mang ra so sánh như “thuyền trưởng” của Iceland là ông Hallgrimsson là một bác sĩ nha khoa, hằng ngày chủ yếu nhổ răng, chỉnh răng cho dân. Hallgrimsson làm bóng đá bán thời gian, hay nói khác đi chỉ là nghiệp dư. Đội tuyển Iceland dựa trên sức mạnh của các cầu thủ đá thuê, trong đó có hai tuyển thủ chơi giải Ngoại hạng Anh, hai đá hạng Nhất Anh, một đá ở Nga, Thụy Sĩ, Na Uy…

Ngày tuyển Iceland đánh bại Kosovo 2-0 để chính thức có vé đi Nga, thủ đô Rejkjavik ăn mừng thâu đêm, rượu chảy lai láng. Cả đất nước nghỉ làm việc hai ngày ăn mừng chiến công của thầy trò Hallgrimsson.

Báo chí Đông Nam Á buồn tủi vì có nhiều quốc gia đông dân vào bậc nhất thế giới, mê bóng đá thuộc hạng nhất thế giới, dân số trẻ nhất thế giới, nhiều đề án World Cup hoành tráng nhất thế giới nhưng đều thất bại.

Trông người ngẫm ta

Cuối năm 2011, bóng đá Việt Nam đứng thứ 99 thế giới, xếp trên rất xa Iceland đứng ngoài 100 trên bảng xếp hạng FIFA. Hơn 90 triệu dân Việt Nam mê bóng đá cuồng nhiệt, chắc chắn không thua… Iceland. Tuy nhiên, làng bóng Việt Nam từ đó đến nay vẫn chỉ mong có một lần đứng đầu Đông Nam Á. Trong tầm nhìn chiến lược từ năm 2013 đến 2020, LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã nhận chỉ tiêu sẽ đăng quang ở khu vực 1-2 lần. VFF chi rất nhiều tiền để mời HLV và chỉ sau bảy năm đã thay năm ông thầy (hai HLV ngoại, ba HLV nội). Mới nhất, VFF đã mời HLV Park Hang-seo (người Hàn Quốc) về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam với mục tiêu… vào tốp 100.

GH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm