Các CLB đua nhau “săn” cầu thủ: Còn ai lo đào tạo trẻ?

Tuổi thọ cầu thủ không cao và khi các CLB chỉ lo ngắt ngọn mà quên đi cái gốc đào tạo trẻ thì cầu thủ đã chín chắn trở nên của hiếm khiến cho giá thị trường leo thang đến chóng mặt. Bóng đá thời buổi chuyên nghiệp bây giờ cầu thủ không còn tin vào lời hứa lẫn cái tình cảm quê hương nữa mà chỉ quan tâm đến cái cục tiền lót tay nặng hay nhẹ.

Mỗi lứa cầu thủ đủ chín một năm ở CLB đếm chưa hết ngón của một bàn tay trong khi 28 đội bóng tại V-League lẫn hạng nhất không phải ở đâu cũng có lứa trẻ kế thừa.

Các anh nhà giàu mới nổi làm bóng đá hầu hết là vãi tiền ra mua cầu thủ để có đội mà chơi và không có khái niệm đào tạo. Tiền lót tay cho cầu thủ nhiều cũng là một cách cải thiện đời sống cho họ nhưng mặt trái của nó lại làm cho các CLB chủ quản có công phát hiện và cất công đào tạo phải ngậm ngùi nuốt đắng.

VFF chiếu theo luật FIFA quy định cầu thủ trên 23 tuổi vào dạng chuyển nhượng tự do khiến cho nhiều CLB giỏi đào tạo trẻ như bóng đá xứ Nghệ phải kêu trời. HLV Nguyễn Văn Thịnh dẫn chứng một lứa 25 cầu thủ Sông Lam Nghệ An đào tạo mất 10 năm, tốn biết bao nhiêu tiền của nhưng chỉ có bốn hoặc năm cầu thủ chơi được. Thế rồi vào năm sau, khi vừa đủ chín và trên 23 tuổi, họ dứt áo ra đi với bạc tỷ lót tay trong khi CLB chỉ có 300 triệu đồng tượng trưng.

VFF khuyến khích đào tạo trẻ nhưng chính sách lại đang làm khó các địa phương. Trong khi đó, doanh nghiệp nhảy vào bóng đá rầm rộ theo kiểu xây nhà từ nóc mà không cần nhìn xuống cái gốc đào tạo trẻ để nuôi phong trào cho mình. Chính cái kiểu vung tay quá trán mua cầu thủ của nhiều “đại gia” sẽ tất yếu xảy ra bất cập bởi các địa phương không muốn làm bóng đá trẻ nữa, vừa không có tiếng lại không có miếng. Vì thế rất dễ dẫn đến hệ quả các CLB muốn làm bóng đá chuyên nghiệp đặt nền móng với các lứa U sẽ dần nản chí rồi thả lỏng công cuộc này.

“Con đường tơ lụa” của bóng đá Việt Nam đã hình thành nhưng kẻ đi đường quang thì ít mà người quàng bụi rậm lại nhiều!

“Nhà giàu” đi chợ

Sau một mùa bóng, nhiều CLB địa phương nơm nớp lo sợ mất quân nhưng vẫn không có cách nào giữ nổi khi các “ông lớn” đi chợ. Hầu hết các doanh nghiệp khi nhảy vào bóng đá đều không có nguồn đào tạo trẻ và không cần đào tạo trẻ mà gần như chỉ đi “bắt” quân từ nơi khác. T&T Hà Nội chỉ một mùa chi bạo tiền gom quân đã lên hạng và mùa bóng tới chắc chắn sẽ làm điêu đứng nhiều CLB khác bởi cái thế mạnh vì gạo của mình. Họ từng vung nhiều tỷ đồng để lấy Dương Hồng Sơn, Hoàng Sơn, Minh Hải..., gửi mấy trăm triệu cho Tiền Giang chỉ để mượn Long Giang, mua Casiano, Cristiano hết hai trăm ngàn USD.

Vinakansai Ninh Bình muốn chơi bóng đá liền mua cả đội hạng Sơn Đồng Tâm, rồi mạnh tay chi tiền để có Hữu Thắng, Quốc Trung, Cao Xuân Thắng, Lã Mạnh Tường, Mai Tiến Thành... Giám đốc điều hành Trần Tiến Đại của Ninh Bình có nhiều kinh nghiệm môi giới mua bán cầu thủ và mới đây đã “bắt” thành công bốn cầu thủ Khánh Hòa với kiểu ứng trước lót tay bạc tỷ.

VĂN THỌ

CLB biết nhưng đành chịu

- Giám đốc điều hành Lê Quang Nhật của Thép Cảng: “Chúng tôi thỏa thuận với các cầu thủ trên nguyên tắc hầu bao của đội chấp nhận được. Anh em nào không đồng ý với thu nhập hoặc phí lót tay thì cứ đi thoải mái. Chúng tôi vì sự sống còn của đội bóng chứ không vì bất cứ cá nhân nào!”.

- Trưởng đoàn bóng đá Tiền Giang Nguyễn Nam Hùng: “Đào tạo cầu thủ từ tuổi 13 nhưng đến 18 tuổi vừa kịp cứng cáp, chưa kịp sử dụng được gì, đến 23 tuổi phải mất trắng. Nỗi đau này của người làm bóng trẻ có mấy ai biết?”.

- Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm của SLNA: “Chúng tôi biết cầu thủ mình dao động dữ lắm và muốn xin đi nhưng CLB nghèo không có khả năng thì biết làm sao. Trước mắt, chúng tôi động viên các em vì chữ tình mà ở lại, còn như không được cũng đành chịu vậy”.

Nguyệt Thanh

GIA HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm