Cái “chết” của những ông bầu

Nắm bắt chủ trương xã hội hóa của ngành thể thao, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào bóng đá như một cách quảng bá thương hiệu. Có doanh nghiệp thích nuôi đội bóng chỉ để chơi phong trào dù tiền của đổ vào đấy không ít...

Bầu Hưng sắm sửa một trung tâm thể thao quy mô nhất nước nhưng mày mò làm bóng đá chuyên nghiệp mãi không ngóc đầu lên được. Ông từng ao ước gầy dựng lại cái nôi bóng đá TP.HCM một thời lừng lẫy mà đụng vào đâu là gãy đến đấy và chỉ mỗi mình ông gánh chịu. Bầu Hưng từng nuôi đội bóng mỗi mùa mất không dưới chục tỷ đồng, rồi cuối cùng chán nản phải giải tán đội và bán lứa trẻ cho Bình Dương. Ông thú nhận bóng đá Việt Nam phức tạp quá và mình chỉ thích hợp làm bóng đá phong trào như cái hồi tài trợ cho đội bóng xích lô vừa thanh thản lại vừa ít tốn tiền.

Cách Trung tâm Thành Long của bầu Hưng gần hai cây số còn có cơ ngơi của bầu Nguyễn Văn Mộng tiên phong xây mộng nuôi “gà chọi” nhưng mỗi mình ông không thể xoay sở nổi. Ông Mộng mở trường dạy bóng đá với suy nghĩ cứ đi sẽ thành đường mà không có lộ trình cụ thể và rốt cuộc là vỡ mộng giữa chừng.

Ở TP.HCM có bầu Ba Vạn bỏ tiền tỷ làm đội bóng phong trào lấy hàng thải hoặc cầu thủ hết thời của các CLB khác về chơi lên hẳn hạng nhất. Nhưng cái kiểu đốt cháy giai đoạn của Ba Vạn rồi gom quân vô tội vạ khiến cho cái đội bóng không ra đội bóng. Cầu thủ đá trên sân mà không biết nghe ai bởi HLV nói một đằng, còn ông chủ chỉ đạo một nẻo thế là tiêu. Đá Mỹ Nghệ lên rồi xuống, ngay sau đó giúp bầu Ba Vạn ngộ ra rằng giữa tham vọng và cách làm là một khoảng cách mênh mông lắm.

Bầu Kiệt của khách sạn Khải Hoàn cũng máu me làm bóng đá nhưng lại cứ lấp lửng và ngộ nhận giữa việc chơi bóng đá với kinh doanh bóng đá. Cầu thủ của ông một buổi tập, một buổi về khách sạn đấm lưng cho khách và cho đến vụ kiện cáo chuyển nhượng cầu thủ ngoại do ông cất công đi săn về bán bất thành thì bầu Kiệt chính thức giải nghệ.

Tất cả những ông bầu này đều có tâm huyết thực sự và muốn làm chủ đội bóng bằng tiền túi của mình mà đều gãy vì thiếu chương trình hành động cụ thể lẫn một bộ phận chuyên môn giúp việc.

Bóng đá Hà Nội “ngộ độc” vì ăn xổi

Ngược lại với tư tưởng chơi bóng tài tử, các doanh nghiệp phía Bắc muốn lao vào bóng đá lấy tiếng thơm như thành công của bầu Đức, bầu Thắng làm chuyên nghiệp chậm hơn nhưng chắc hơn. Tiếc cho cái tư tưởng ăn xổi với một đội bóng có sẵn không chóng thì chầy cũng phá sản, điển hình như hai đội bóng Hà Nội vừa rớt hạng V-League. Bầu Nguyễn Đức Kiên năm 2003 tiếp nhận Công an Hà Nội sau năm lần bảy lượt đổi tên để tồn tại vẫn cứ vật vờ trụ hạng hoặc đi chung kết ngược cho đến thời của ACB 2008 thì đứt. Tương tự, Hòa Phát Hà Nội của bầu Nguyễn Mạnh Tuấn bao năm qua cứ sống và thở bằng lỗ mũi của các cầu thủ thập phương mà mỗi người ra sân lại nhìn đi mỗi hướng. Bóng đá Hà Nội “chết” bởi ở đấy không có hơi thở của người Hà Nội.

GH

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm