Chết vì “thở bằng mũi người khác”

Sức sống của Premier League với một công nghệ bóng đá khiến các ngôi sao trên thế giới hội tụ về. Sân bóng Anh luôn tràn ngập khán giả và thu hút người hâm mộ truyền hình trên toàn thế giới khiến tiền bản quyền truyền hình đã lên đến hàng tỷ bảng Anh. Một giải đấu siêu lợi nhuận từ một công nghệ bóng đá bậc thầy.

Ở giải Ngoại hạng Anh, người ta có thể lập cả một đội tuyển còn lại của thế giới với các chùm sao từ khắp các châu lục đổ về nhưng cũng từ đó người ta lại rất khó khăn khi chọn một đội tuyển riêng cho người Anh.

Nghịch lý ở chỗ thị trường Anh là cơ hội kiếm tiền cho cầu thủ giỏi thế giới nhưng nó lại là mảnh đất triệt đi sự sáng tạo và cơ hội của các cầu thủ bản địa rất nhiều.

Mùa bóng năm nay, số cầu thủ ngoại “xâm lăng” Premier League chiếm đến 63% so với con số 37% cầu thủ bản địa. Việc lệch pha không tích cực này đã phần nào cho ra lời giải ở một đội tuyển Anh mà hiện tại ông thầy nội McClaren phải gánh chịu.

Ở Anh vẫn vô tư “nhập” cầu thủ ngoại bởi chưa có luật giới hạn cầu thủ nước ngoài, trong khi mãnh lực đồng tiền cùng công nghệ bóng đá ở Anh lại luôn khuyến khích các ngôi sao nước ngoài “chảy về vùng trũng”.

Người Anh sung sướng với một Premier League danh giá và hấp dẫn nhất hành tinh nhưng người Anh lại thấp thỏm với một đội tuyển phải giao số phận cho người khác quyết.

Người Anh hò hét và ca hát suốt với CLB mà mình hâm mộ nhưng nhiều lúc họ cứ phải thầm cầu nguyện cho đội tuyển của mình được bình an.

Và không khó để người Anh nhìn ra một Premier League danh giá toàn cầu mà chỉ kiếm 11 con người ra sân như bao đội tuyển quốc gia khác lại rất khó. Cái thua trước đội Nga khiến tuyển Anh cao ngạo phải lao đao là một minh chứng. Một đội tuyển Anh không thể chơi với một phong cách như ở Premier League của người Anh vì những cầu thủ bản địa đã quen với các đội hình có nhiều ngoại binh và quen với hơi thở của giải vô địch nhà nhưng người bản xứ chỉ có 1/3.

Đội tuyển Anh giờ phải thở bằng lỗ mũi người khác cũng hệt như một giải vô địch Anh mà các CLB đang thuộc về các ông chủ ngoại và con số 63% cầu thủ ngoại.

Ở các đội tuyển châu Âu khác, HLV trưởng thường nhắm lấy bộ khung của một CLB như đội Ý có lúc bị Milan hóa hay Juve hóa (tùy thời điểm) hoặc Tây Ban Nha là Real hóa thì ở Anh, ông McClaren luôn phải bóp trán vì không biết mình phải “hóa” từ đâu. Ông nhìn vào nhà vô địch Anh MU thì thấy toàn hồn ngoại; quay sang Chelsea lại thấy bóng dáng người dưng; nhìn sang Arsenal cũng toàn hơi hám người Pháp...

Cái kiểu nhặt mỗi nơi một tý từ những cầu thủ bản địa ở Premier League danh giá hóa ra lại là một dạng ăn đong từng bữa của một ông thầy sống trong sự phồn vinh giả tạo.

Người Anh đang chết bởi sự hào nhoáng của Premier League hay nói đúng hơn là một cuộc “xâm lăng” giết chết sự phát triển và sáng tạo của chính nền bóng đá Anh.

- Trước đây, trong khi Premier League diễn ra cuộc thư hùng giữa Arsenal và MU thì HLV McClaren lại bay sang Mỹ xem Beckham đá trong một trận gây quỹ từ thiện ở Los Angeles.

- Chính Thủ tướng Gordon Brown cũng đang sốt ruột với các giải pháp trong đó hy vọng vào luật giới hạn cầu thủ nước ngoài mà Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đề xuất sẽ sớm được ban hành để trả lại “thị phần” cầu thủ Anh trong giải đấu của người Anh.

- Chính đội phó đội tuyển Anh Gerrard lên tiếng: Quá nhiều cầu thủ nước ngoài ở Premier League sẽ tác động xấu đến đội tuyển Anh. Cần phải có “quota” để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của những cuộc “xâm lăng” từ các ngôi sao ngoại.

TRƯƠNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm