‘Cứu’ Công Phượng cách nào?

Giờ thì họ châm biếm Messi Thái mới là số một, còn Công Phượng thì tìm vinh quang ở giải trẻ vẫn không xong.

Suốt giải U-21 quốc tế và dư âm giải này, không ít chương trình talk show hoặc bình luận đã đề cập đến việc làm sao để giải cứu Công Phượng. Cầu thủ mà trước đây được kỳ vọng rất lớn nhưng giờ thì càng cố lại càng bế tắc.

Kiatisak từng giải bài toán “sao rụng” như thế nào?

Hoàn cảnh hiện tại của Công Phượng khá giống với Dangda năm 2014. Sau khi Dangda trở thành trung phong số một Thái Lan, năm 2014 Dangda được CLB Almeria của Tây Ban Nha ký hợp đồng một năm. Nhưng đến với CLB đấy suốt một mùa bóng, cầu thủ số một Thái Lan chỉ ra sân có 150 phút. Duy nhất một trận Dangda đá chính thức và đá đủ 90 phút là ở Cúp Nhà vua. Còn lại 60 phút ra sân ở Tây Ban Nha đều từ ghế dự bị.

Về nước, Dangda khoác áo CLB cũ là Muangthong khi chỉ còn hai tháng nữa là đến AFF Cup 2014. Khi ấy, HLV Kiatisak nắm đội tuyển Thái Lan và HLV này đã giúp Dangda giảm bớt áp lực bằng việc không gọi tiền đạo số một của Thái Lan tham gia đội hình dự AFF Cup 2014.

Cũng cần biết là khi ấy HLV Kiatisak phải hứng chịu sức ép dư luận rất lớn với người hâm mộ và nhất là với CLB Muangthong vốn là tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan có ảnh hưởng rất lớn lên LĐBĐ Thái Lan.

Sau này chính HLV Kiatisak giải thích rằng nếu AFF Cup 2014 mà Thái Lan không vô địch thì ông sẽ bị chỉ trích rất nhiều vì “bỏ rơi” ngôi sao số một Thái Lan. Tuy nhiên, ông không gọi Dangda vào đội tuyển là một cách giải cứu tiền đạo số một có thời gian để tìm lại chính mình bởi cả mùa bóng chỉ có 150 phút ra sân thì không thể lấy lại cảm giác bóng tốt được dù có đẳng cấp cao cách mấy.

HLV Kiatisak còn tâm sự: “Tôi muốn có sự bình đẳng với các cầu thủ Thái Lan. Không thể để một cầu thủ có chuyên môn, phấn đấu cao suốt mùa giải lại bị lấy chỗ bởi một cầu thủ cả năm chỉ có 150 phút ra sân”.

Sau khi chứng kiến đội tuyển Thái Lan đoạt cúp vàng AFF năm 2014, năm 2015 Dangda trở lại với giải Thai-League một cách mạnh mẽ hơn và dần lấy lại phong độ của mình để rồi AFF Cup 2016 trở lại và lấy suất đá chính, đoạt danh hiệu vua phá lưới.

HLV Kiatisak từng “cứu” Dangda bằng cách không để cầu thủ này chịu sức ép sau 150 phút ra sân suốt cả mùa giải 2014 ở La Liga. Ảnh: AFF NEWS

Để cứu Công Phượng cần phải đối xử bình đẳng với cầu thủ này như bao cầu thủ khác và có thời gian tĩnh để tỉnh. Ảnh: XUÂN HUY

HLV Hữu Thắng và HA Gia Lai có bị sức ép với Công Phượng?

Trước, trong và sau giải U-21 quốc tế, không ít chuyên gia và những tiền đạo kỳ cựu đã đề cập nhiều về cách để đưa Công Phượng trở lại với phong độ ngày nào.

Nếu ở đội tuyển quốc gia HLV Hữu Thắng không dám loại một cầu thủ mà suốt mùa bóng 2016 chỉ có 88 phút ra sân ở Nhật và đa phần từ ghế dự bị thì ở đội U-21, ban huấn luyện HA Gia Lai lại muốn Công Phượng tìm lại cảm giác bóng từ giải trẻ mà Phượng đã nhiều lần lên đỉnh vinh quang ở đấy.

Đẳng cấp của một cầu thủ ở đội tuyển hay từng được CLB ở J-League 2 mời đá thuê mà đá giải U-21 thì rõ ràng là trên “màu” nhưng càng đá Công Phượng lại càng bế tắc. Chính các chuyên gia và các HLV đề cập rằng ở đội tuyển và hơn hết là ở HA Gia Lai cần phải có người giúp Công Phượng tìm lại dần cảm giác nhưng ngược lại thì cầu thủ này đã mất cảm giác bóng lại cứ được chơi tự do, được cầm bóng đi bóng giống như đã từng có những bàn thắng ấn tượng lúc đạt phong độ cao nhất. Những tiền đạo đàn anh như Việt Thắng, Phan Thanh Bình hay những chuyên gia từng làm công tác đào tạo trẻ đã chỉ ra những bất hợp lý từ những người gần Công Phượng nhất và sẽ giúp Công Phượng dần lấy lại cảm giác thì lại chính là những người đẩy Công Phượng sa vào áp lực tâm lý. Điển hình việc một cầu thủ cả mùa giải chỉ có 88 phút ra sân mà lên đội tuyển đã là bất hợp lý vì không thể nào lấy lại phong độ được. Ở đây có người phân tích HLV Hữu Thắng bị sức ép từ dư luận, từ người hâm mộ và từ cả bầu Đức - người phát động sa thải ông Miura để đưa HLV Hữu Thắng lên và đã “nương” cho Công Phượng nhưng như thế thực chất là làm hại Phượng.

Rồi về đến đội U-21 HA Gia Lai, Công Phượng cứ được ra sân đá chính, được xem như là tiền đạo chủ lực theo cái kiểu ứng xử với ngôi sao và kết cục là quả luân lưu kiểu Panenka đã dìm Phượng sâu hơn với nhiều áp lực tâm lý đè nén vào.

Ngoài ra cũng phải kể đến một bộ phận truyền thông mà chính từ phía HA Gia Lai muốn PR cho cầu thủ của mình để sớm đẩy Phượng lên như một biểu tượng trong khi mặt bằng và vốn sống lẫn kỹ năng sống lại chưa được trang bị nhiều.

Để “cứu” Công Phượng cách tốt nhất là hãy trả Công Phượng lại như một cầu thủ bình thường, đồng thời các HLV cần đối xử công bằng với các cầu thủ, trong đó để Công Phượng phải cạnh tranh như bao cầu thủ khác.

Thậm chí là cần những thời gian tĩnh lặng như cái cách mà HLV Kiatisak từng vượt qua dư luận khi ứng xử với Dangda.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm