NHÂN GIẢI VÔ ĐỊCH TAEKWONDO CHÂU Á KHAI MẠC TẠI TP.HCM

“Điệp viên” và cuộc chiến công nghệ cao

Các nhà chuyên môn nhận xét đây là giải đấu tập trung các “điệp viên” rất nhiều qua lần đầu ứng dụng công nghệ cao, áo giáp thi đấu gắn “bọ” điện tử chấm điểm tại Việt Nam.

Một Olympic Taekwondo thu nhỏ

Đây là giải đấu thu hút số lượng các đoàn tham dự cao nhất trong lịch sử giải đấu với 34 đoàn và được xem như cử tổng dượt cho các võ sĩ đã có suất dự Olympic. Ông Trương Ngọc Để - Phó ban tổ chức giải cho biết: “Hầu hết các ứng viên cho danh hiệu vô địch Taekwondo tại Olympic London rơi vào các cường quốc môn võ này của châu Á nên đây là giải đấu mà các nhà chuyên môn, các HLV sẽ theo dõi đối thủ và họ sẽ ghi hình tất cả để nghiên cứu. Đó cũng là lý do giải thích vì sao trong thời điểm kinh tế thế giới khó khăn nhưng các đoàn chấp nhận tốn nhiều kinh phí để đưa lực lượng hùng hậu dự giải”.

Về phía Việt Nam, hai võ sĩ đã có suất dự Olympic London là Lê Huỳnh Châu (-48 kg, nam) và Chu Hoàng Diệu Linh (-67 kg, nữ) coi đây là bước cọ xát quý hiếm để tiến tới mục tiêu huy chương Olympic. Nói về hai niềm hy vọng huy chương Olympic của Việt Nam, ông Để mong dư luận đừng đề cập đến hai em vì áp lực sẽ là thứ mà các võ sĩ đối đầu rất nặng nề. Nếu thất bại tại giải châu Á này hay thành công thì cũng không chỉ trích và cũng đừng… đưa tin nhiều vì có những cái thuộc về giấu bài trước các cặp mắt của “điệp viên”.

Ông để lo ngại nếu thông tin quá dày đặc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hai niềm hy vọng này.

“Điệp viên” và cuộc chiến công nghệ cao ảnh 1

Cuộc tổng dượt trước Olympic và làm quen với công nghệ cao có gắn chip điện tử trong trang phục thi đấu. Ảnh: QUANG THẮNG

“Điệp viên” và cuộc chiến công nghệ cao ảnh 2

Biểu diễn Taekwondo. Ảnh: QUANG THẮNG

Cuộc chiến công nghệ cao

Hẳn người hâm mộ còn nhớ Asiad 16 năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã xảy ra chuyện đình đám giữa võ sĩ Vũ Thị Hậu (49 kg) của Việt Nam và Yang Shu Chun của Đài Loan. Chun lúc ấy là đương kim vô địch Olympic 2008 và khi dẫn Hậu 9-0 rồi kết thúc trận thì ban tổ chức phát hiện ra trong vớ của Chun có gắn thêm chip điện tử để báo điểm về hệ thống tính điểm của trọng tài. Vụ tai tiếng này đến nay vẫn là scandal lớn. Lúc ấy Chun mặc trang phục thi đấu của hãng Lajust (Trung Quốc) và HLV của Chun cho rằng đã có một âm mưu hạ bệ học trò mình liên quan cuộc đấu bên ngoài giữa hai hãng cung cấp thiết bị thi đấu công nghệ cao của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Vụ án con chip chưa có lời kết nhưng trước mắt thì sau Asiad 16, nhà cung cấp Lajust bị truất ngôi và thay vào đó là nhà cung cấp Dae Do của Hàn Quốc thế chỗ (!?).

Phó ban tổ chức giải Trương Ngọc Để kể: “Việc gắn chip điện tử chấm điểm vào giáp thi đấu của võ sĩ rất khó lường. Vì có thể một ai đó ngồi trên khán đài dùng thiết bị tương hợp cũng có thể trợ giúp cho võ sĩ dưới sàn đấu. Thậm chí lấy nước đổ vào vớ thi đấu làm cho lực tác động nặng hơn cũng có thể trợ giúp… thêm điểm cho võ sĩ.

Tại giải châu Á lần này, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức mà tất cả võ sĩ được nhận trang phục thi đấu có gắn chip điện tử và là trang phục chính tại Olympic London có giá 393 USD/bộ.

Đây cũng là giải đấu được xem là cơ hội để các trọng tài làm quen và tập huấn với hệ thống chấm điểm qua chip điện tử mà trước đây nó được xem là scandal tốn nhiều giấy mực.

DUY ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm