Hậu SEA Games... - bài 3: Đấu ghế và đốt ghế

Lịch sử những chiếc ghế bị đốt và sau đó bị được đấu đã nói lên bộ máy điều hành của VFF rất gai góc và có khi như một trận bóng có đường chuyền quyết định và cũng có bỏ bóng đá người...

Ông Viễn từng bị đốt ghế như thế nào?

Cuối nhiệm kỳ III, đúng vào lúc chuẩn bị bầu ban chấp hành mới, ông tổng thư ký (TTK) Phạm Ngọc Viễn bị cấp phó của mình tố ăn hối lộ và đòi trưng băng ghi âm. Chuyện của hai thành viên trong ngôi nhà VFF cách nhau một bức tường cuối cùng bị phanh phui là kẻ tố cáo đã dùng võ bẩn bằng thủ đoạn những đoạn cắt ghép từng đoạn băng làm sai sự thật để hạ uy tín ông Viễn. Đấy là lý do ông TTK Viễn sau đó vẫn tái đắc cử, còn ông phó thì bị tẩy chay.

Nhiệm kỳ IV đang êm ả thì sau vụ bồi thường Letard, ông Viễn bị quây “đánh”. Ông Viễn hồi đấy bị một sức ép ngoài VFF nhưng ở trên dội xuống rất mạnh, trong đó có có “cấp trên” của ông Viễn lại cũng là đồng nghiệp của ông ngày nào buộc từ chức.

Đấy là lý do vì sao khi AFF và AFC hay tin ông Viễn từ chức, các tổ chức bóng đá này liên tục hỏi vì sao và có bị sức ép gì về mặt nhà nước không. Tất nhiên ông Viễn phải trả lời không bởi chỉ cần ông nói có là bóng đá Việt Nam bị “cấm vận” ngay hệt như FIFA từng trừng phạt nhiều quốc gia lấy “quyền lực” ngoài bóng đá gây sức ép lên LĐBĐ.

Cái ghế của ông Viễn bị đốt, rất nhiều người hăm he nhảy vào và lập tức có một cuộc “đấu ghế” và cả... “mua ghế”.

Và cuộc “đấu” sau này đại gia đình VFF đã “chấp nhận” làm lơ đi nhiều tiêu chí để có một cuộc đăng quang trẻ nhất trong lịch sử nhưng cũng có nhiều dấu hỏi nhất trong lịch sử về “lý lịch” một ông tổng.

Ghế Phó Chủ tịch chuyên môn sau khi bị đốt là vô hiệu hóa

Nhiệm kỳ V, chức danh Phó Chủ tịch chuyên môn thuộc về ông Lê Thế Thọ. Ông Thọ từng làm trợ lý bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban TDTT nên khi ngồi vào đấy bị nghi ngờ là người của bộ trưởng cài vào. Trong khi đó thì ông Thọ lại cao ngạo: “Tôi không ngồi vào ghế chuyên môn thì ai ngồi vào đấy được”.

Cuối cùng thì ông Thọ “chết” bởi ỷ mình là người có chuyên môn trong khi hầu hết các quan chức VFF đều không có chuyên môn lại không phải là người của bóng đá.

Khi ông Thọ ngồi vào ghế trưởng đoàn bóng đá, ông Riedl rất ngại bởi ông Thọ sẵn sàng lý luận bằng cơ sở khoa học và bằng chuyên môn của một giảng viên bóng đá có bằng cấp FIFA. Ông Thọ sẵn sàng “đấu” nếu nhìn ra sự bất hợp lý trong giáo án hoặc những vấn đề chuyên môn với tư cách của một phó chủ tịch chuyên môn và một trưởng đoàn bóng đá.

Trong khi ông tổng mới tươi cười khi cầu thủ than mệt nhưng họp mổ xẻ thì vắng mặt. Ảnh: XUÂN HUY - QUANG THẮNG
Trong khi ông tổng mới tươi cười khi cầu thủ than mệt nhưng họp mổ xẻ thì vắng mặt. Ảnh: XUÂN HUY - QUANG THẮNG

Sau SEA Games 23, ông Thọ bị quy trách nhiệm trong vụ các cầu thủ bán độ và chán nản từ chức, thề không bao giờ quay lại bóng đá nữa.

Một năm sau cái ghế trống ông Thọ để lại đã có một cuộc bầu bán và lại đấu. Ông Ngô Tử Hà - trợ lý bộ trưởng xin quay lại nhưng bị ban chấp hành đánh bật ra và thế là ông Dương Vũ Lâm bất chiến tự nhiên thành.

Ông Lâm ngồi vào cái ghế đấy nhưng lại không có quyền hành như ông Thọ ngày nào vì bị bóp hết vào việc phân công chuyên trách, chuyên quyền. Đụng vào chuyên môn ông Lâm bị ông Tuấn (TTK) lấn, sang đến mang thi đấu thì ông phó tổng ôm hết. Ông Lâm ở SEA Games 24 mang tiếng đi theo đội nhưng thực chất ông chẳng có cái quyền gì ngoại trừ việc hỏi han cầu thủ.

Và không khó để mọi người nhìn ra rằng sau cuộc đốt ghế, đấu ghế là những cuộc chuyên trách, chuyên quyền trên chiếc ghế để vô hiệu hóa rất nhiều người và nhiều bộ phận.

Mổ xẻ không có trưởng đoàn và TTK

Cuộc mổ xẻ của VFF sau thất bại của bóng đá Việt Nam đã không có ông TTK Trần Quốc Tuấn và ông phó TTK Dương Nghiệp Khôi dù hai nhân vật này chịu trách nhiệm rất lớn về nhiều vấn đề liên quan đến đội tuyển. Ông Khôi nắm toàn bộ mảng thi đấu và lịch thi đấu bị xem là quá dày khiến cầu thủ quá tải và không có thời gian hồi phục, trong khi ông Tuấn là người gần gũi ông Riedl cùng các cầu thủ nhất. Ông Tuấn cũng là người khẳng định SEA Games 24, đội U-23 Việt Nam được chuẩn bị tốt nhất và tinh thần cao nhất để đoạt cúp vàng.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm