Hỗn loạn bóng đá Việt

Bản đánh giá tổng kết SEA Games 22 của ông Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh chỉ đơn thuần là đẩy hết mọi sai lầm cho thầy trò Hữu Thắng nhưng lại đề cao vai trò của Tổng cục TDTT và LĐBĐ Việt Nam (VN) - VFF.

Chẳng hạn cả hai cơ quan này khẳng định đã tạo điều kiện dinh dưỡng, y tế đầy đủ cùng hàng loạt trận đấu tập và huấn luyện ở Hàn Quốc trước khi tham dự SEA Games. Họ cũng nhấn mạnh về việc “cầu thủ có thời gian tập và thi đấu cùng nhau trong đội tuyển quốc gia và các giải trẻ nên có kinh nghiệm nhất định. Toàn đội sẵn sàng về chuyên môn cũng như thể lực, tâm lý, tinh thần… đoàn kết, quyết tâm nhất từ trước tới nay”.

Tuy nhiên, ở phần bài học kinh nghiệm rút ra lại nói rằng cầu thủ “thiếu kinh nghiệm thi đấu dẫn đến quyết định, ứng xử sai lầm gây ảnh hưởng đến cục diện trận đấu; tâm lý không đủ ổn định; thể hình đa số nhỏ, thiếu sức mạnh, kỹ thuật cơ bản cần phải cải thiện nhiều (vai trò đào tạo ban đầu tại CLB)”.

Trước SEA Games thì tâng bốc HLV Hữu Thắng nhưng sau thất bại ở Malaysia thì đổ hết cho HLV này và cầu thủ cùng các CLB. Ảnh: CTV

Trong các bài viết phân tích về thất bại của đội tuyển U-22 tại SEA Games 29 ở nhiều số báo trước, chúng tôi đã nhấn mạnh đến vai trò của các nhà quản lý và điều hành bóng đá VN còn nhiều bất cập. Chỉ tiếc là bản đánh giá tổng kết của VFF chưa dám nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình đối với thầy trò HLV Hữu Thắng và chẳng khác gì khoán trắng việc cho mỗi HLV trưởng cho đến khi gặp thất bại thì… chạy tội.

Rõ ràng trong cùng một bản nhận xét VFF có nhiều mâu thuẫn, đặc biệt ở phần sai lầm đổ vấy hết cho HLV Hữu Thắng, cầu thủ và CLB.

Chính bởi sự vô cảm và đùn đẩy trách nhiệm của VFF qua sự việc của đội tuyển U-22 VN mà thời điểm này giới hâm mộ đánh mất niềm tin nhiều lắm. Ví như cái thua của đội U-18 VN trước chủ nhà Myanmar ở sân chơi Đông Nam Á khiến nhiều người bỏ qua yếu tố chuyên môn mà buông lời lẽ cay nghiệt nhắm vào thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.

So với các đàn anh U-22, đội tuyển U-18 quốc gia bị loại khỏi vòng bảng còn đau hơn. Sau ba trận thắng như chẻ tre lại để thua trận cuối U-18 Myanmar sít sao 1-2 khiến bị kém hơn về đối đầu (bằng điểm, bằng hiệu số). Ông Hoàng Anh Tuấn và học trò không đáng bị nhiếc móc nặng lời sau một tai nạn khó nguôi ngoai. Họ lúc này rất cần chỗ dựa về tinh thần từ chính VFF nhưng không may lại rơi vào vòng xoáy hỗn loạn, xuất phát bởi sự thiếu nghiêm túc và trốn trách nhiệm của cấp trên.

Bóng đá VN lúc này như một mớ bòng bong vì không ai nghe ai và nhiều người đang chực chờ sơ hở của nhau để kiếm cớ “chơi” nhau.

Suy cho cùng thì mầm mống hỗn loạn từ trong nhà VFF ra chứ đâu!

Đoàn kết ở VFF

VFF nhiệm kỳ III hồi cuối năm 2000 họp rút kinh nghiệm về những sai lầm của các đội tuyển có liên đới trách nhiệm, rất nhiều đại biểu nhận xét VFF không đoàn kết. Ngay lập tức, một quan chức VFF nhanh nhảu: “VFF có đoàn kết đâu mà mất!”. Cả hội trường vừa cười vừa đau.

Năm ngoái, trong một cuộc họp khác của VFF nhiệm kỳ VII, PV báo Pháp Luật TP.HCM hỏi thẳng: “Các anh nói thật đi, VFF có đoàn kết không?”. Một phó chủ tịch VFF đỡ lời: “Chúng tôi không phải mất đoàn kết, chỉ là đoàn kết chưa cao”.

Cả hai cuộc họp nhắc về tính đoàn kết của VFF với những quan chức ngồi chung bàn chủ tọa nhưng không ai dám chắc họ chung tầm nhìn về một hướng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm