“Khéo” ở cửa quan

Theo đó, HLV Trang Văn Thành (U-19 Đồng Tháp - bóp cổ trọng tài), Timothy (HP Hà Nội - chửi trọng tài), Samson (Đồng Tháp - chơi thô bạo), HLV Olivera (NaviBank SG - phản ứng trọng tài) đều giảm một trận hoặc năm tháng cấm hành nghề.

Việc giảm án của VFF diễn ra trong thời điểm các hành vi bạo lực và vô văn hóa diễn ra ngày càng nhiều trên khắp các sân cỏ. Điều này dễ khiến nhiều người nghĩ đến sự dễ dãi lẫn thái độ chứng tỏ quyền uy của cơ quan hành pháp bóng đá và khuyến khích nhau cứ chơi xấu đi, ra án mạnh rồi sẽ được giảm án ngay mà.

Hàng loạt quyết định giảm án của VFF chưa cho thấy tính chất “nhân đạo” mà ngược lại, nó khiến người ta nghi ngờ vào tác dụng răn đe, tính nghiêm khắc lẫn những dzích dzắc “hậu trường” của bản án.

Năm ngoái, Công Vinh vái sống trọng tài bị treo giò sáu trận. Rồi chỉ sau vài cuộc điện thoại và thậm chí chưa tới ngày “thi hành án” thì Ban Kỷ luật liền giảm ba trận. Gần đây, cầu thủ Ngọc Tùng (CLB TP.HCM) bị treo giò hết giải (18 trận) nhưng chỉ một ngày trước khi về đầu quân cho SG Xuân Thành, VFF chỉ còn treo tám trận (!?).

Trong khi đó, VFF lại tỏ ra cứng rắn quá mức như đối với trường hợp Danh Ngọc khi treo giò hết giải, cho dù anh này đã khắc phục hậu quả (nộp 2,4 tỉ đồng chi phí đào tạo cho Nam Định). Án này đồng nghĩa VFF triệt luôn đường lên tuyển U-23 quốc gia chuẩn bị SEA Games 26 của một cầu thủ trẻ. Từ thái độ bên trọng bên khinh ấy, người trong cuộc có quyền đặt ra giả thiết nếu Danh Ngọc không phải quân Ninh Bình (đội bóng của bầu Trường từng va chạm với VFF) thì tình thế sẽ khác (!?).

Có điều gì bất thường ở đây, từ những mối quan hệ thân thiết hoặc ngược lại giữa VFF với các “đối tác” hay chỉ là chuyện “khéo” ở cửa quan?

ĐĂNG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm