Khổ thân với vé!

Nhìn cảnh người hâm mộ Việt Nam mang cả mền, chiếu và lều đến trước sân Mỹ Đình từ đêm hôm trước với hy vọng sáng ra có thể mua được vài chiếc vé, nhiều người thở dài. Trong số đó có sinh viên, có phụ nữ, người già và cả thương binh...

Không dám bỏ hàng đi vệ sinh

Sáng ra, khi ban tổ chức chưa mở cổng thì hàng người rồng rắn đã nhộn nhạo như một con rắn chuyển mình. Không ít người thú thật với nhóm PV chúng tôi rằng họ phải đi vệ sinh tại chỗ vào chai nước suối chứ không dám bỏ đi vì sợ uổng công xếp hàng cả đêm.

Săn một chiếc vé đúng là rõ khổ. Thậm chí là cổng trước LĐBĐ Việt Nam còn bị xô đổ bởi dòng người chen chúc ngày một dồn lên nhiều hơn và lộn xộn hơn. Nhưng đấy là phần nổi ở cổng mua vé. Phần chìm chính là các phe vé gạ gẫm công khai quanh cổng tìm đến các “thượng đế” với cả tệp vé trên tay chào mời: “Hôm nay còn giá này, mai mà đội tuyển thắng hay hòa thì vé còn lên nữa!”. Những gương mặt buôn bán vé chợ đen không lạ bởi họ hiện diện thường trực ở Mỹ Đình theo kênh vé riêng của mình.

Nhiều người mang chiếu, mền theo và xếp hàng từ đêm hôm trước. Ảnh: LĐ

“Cho em xin thêm 300 ngàn một vé”

Lần nào cũng thế, VFF có những kênh bán vé được công khai bao gồm cả xếp hàng nhận tích-kê mua vé lẫn đăng ký theo đường công văn... Thế nhưng phần cung bao giờ cũng rất ít so với cầu. Anh HTS, một doanh nhân làm ăn với các đối tác nước ngoài có nhu cầu mua vé để tặng, chia sẻ anh gửi công văn xin mua 50 vé nhưng chỉ được duyệt có 15 vé. Anh chia sẻ vì muốn có phần còn lại, anh liên hệ đủ mọi nơi nhưng cuối cùng lại được chính người ở bộ phận phân phối vé “bỏ nhỏ”: “Số còn lại anh muốn có thì chi thêm mỗi vé 300.000. Số tiền đấy em nói các đơn vị khác cắt lại cho anh. Em mua giùm chứ em không lấy lời!”. Nghe đến đấy anh HTS hiểu vì sao vé anh xin mua bị cắt và vì sao có những nguồn vé gọi là “cắt lại” và “mua giùm”. Vì sao mới mở cửa bán vé mà phe vé đã có cả tệp cầm tay đi chào mời “thượng đế”.

Cổng LĐBĐ Việt Nam bị người mua vé xô đổ.

Các dịch vụ ăn theo

Trong khi đó hàng dài rồng rắn nối đuôi nhau, có những người săn chiếc vé cho mình thật nhưng cũng có không ít người xem đấy là cơ hội làm ăn. Người có vốn thì bỏ ra một là có người thu lại ngay với giá gấp đôi, gấp ba và có thời điểm còn gấp bốn, gấp năm... Người không có vốn thì được thuê và cứ một vé sẽ được chi phần trăm huê hồng. Cứ thế vé sốt lên theo từng thời điểm cùng những cách làm giá tùy theo thành tích hoặc độ hot của đội tuyển Việt Nam.

Lâu nay, cứ mỗi lần đội tuyển đá sân Mỹ Đình là sốt vé. Những người mê đội tuyển thực sự nhưng không có thời gian xếp hàng mua vé hay không thể lấy vé qua đường công văn thì đành chấp nhận mua với giá cao hơn gấp nhiều lần. Việc mua lại từ những con buôn, từ giới chợ đen rất dễ bởi chỉ cần dừng xe là có “phe” bù vào hỏi tới tấp với cả xấp vé trên tay đủ loại, đủ tầng, đủ khu vực. Thậm chí là vé mời (không bán) cũng được chợ đen rao bán công khai.

Vé chưa bán đã có phe vé cầm cả xấp mời chào với giá gấp ba, gấp bốn. Ảnh: ZING

Tại sao Cần Thơ làm được mà Hà Nội thì không?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, một lãnh đạo ở Cần Thơ chia sẻ: “Nếu đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân Cần Thơ thì vé vẫn hết nhưng chắc chắn sẽ không sốt vé kiểu đấy bởi chuyện sốt còn do con buôn, do giới chợ đen trục lợi. Hơn hết là ở Cần Thơ chúng tôi luôn đảm bảo không có đất cho chợ đen hoạt động, vì như thế là phạm pháp và chúng tôi làm rất triệt để!”.

Chúng tôi hiểu đó không phải là kiểu nói suông vì mới đây, sân Cần Thơ với hơn 40.000 chỗ và số vé được bán ra trên 30.000 vé (ngang với sân Mỹ Đình hiện tại) trong trận đội tuyển Việt Nam gặp CLB Avispa Fukuoka (Nhật Bản), người yêu bóng đá từ khắp các khu vực miền Tây đến sân đều có thể mua vé dễ dàng mà không bị chợ đen làm giá. Đơn giản vì không có tay chợ đen nào sống được ở Cần Thơ do Thành ủy và UBND TP Cần Thơ chỉ đạo rất chặt chẽ, phối hợp cùng lực lượng hình sự bắt tận tay những ai đầu cơ bán vé chợ đen. Cách làm trên đã từng được thực hiện rất chặt chẽ ở giải U-21 Quốc tế với cơn sốt vé của các cầu thủ U-19 HA Gia Lai - Arsenal của lứa Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng... Họ làm chặt chẽ và nghiêm đến độ có lần thấy các PV cầm vé mời trước sân đã nhầm tưởng là phe vé và đưa về trụ sở, sau đó mời chính người của ban tổ chức đến xác định mới cho qua.

Dài dòng chuyện của sân Cần Thơ với sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương để thấy rằng việc làm khổ những “thượng đế” thực sự săn chiếc vé xem đội tuyển thi đấu nếu có sự phối hợp chặt chẽ chứ không thả nổi thì chợ đen sẽ không có đất sống. Và đương nhiên các tình trạng ăn theo hay những tiêu cực từ các bộ phận phát hành vé hay mua vé cũng sẽ không có chỗ để “Cho em xin thêm mỗi vé 300 ngàn”.

Khổ thân với vé!

Hội Cổ động viên VFS cũng bị cắt vé

Trao đổi với chúng tôi, chủ tịch Hội Cổ động viên Việt Nam VFS buồn bã nói: “Chúng tôi quy tụ tất cả anh em của hội và chắc chắn đó là những người yêu mến đội tuyển đồng thời cũng có nhu cầu thực sự với áo, mũ, khăn cùng những bài cổ vũ thật bài bản. Mọi người, cổ động viên từ Nam ra Bắc đăng ký trên web rất bài bản và đúng thời hạn với khoảng 900 người nhưng khi liên hệ với VFF thì chúng tôi chỉ được giải quyết khoảng 600 vé thôi. Thật thương cho hơn 300 người còn lại không thể cùng chúng tôi đến sân cổ vũ nhưng biết làm sao hơn được”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm