“Không thể tìm thầy theo tiêu chí ấy!”

. Những ngày qua, ông vẫn theo dõi việc tuyển chọn HLV trưởng cho đội tuyển Việt Nam đấy chứ?

+ Tôi cũng không quan tâm lắm nhưng tôi có nghe nói những tiêu chí chọn lựa đó là phải có bản giới thiệu về thành tích bản thân tốt và am hiểu bóng đá khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng...

. VFF đưa ra hai tiêu chí là có bản thành tích tốt và am hiểu bóng đá khu vực và Việt Nam, theo ông là có khả thi?

+ Một HLV nào đó của châu Âu hay Nam Mỹ, thậm chí của châu Á cũng không thể đáp ứng được việc am hiểu bóng đá Việt Nam. Anh có đồng tình với tôi, rằng khi anh mở tivi để tìm bóng đá xem, nếu anh không “dính” gì đến bóng đá Việt Nam thì một trận bóng tại V-League, hạng nhất hay là một trận nào đó có đội Việt Nam, có làm cho anh quan tâm và nghiên cứu hay không? Chắc chắn là không.

Chính vì thế, vấn đề tiêu chí trở nên mâu thuẫn nhau. Với tôi điều này là không khả thi. Không thể tìm được thầy theo nhũng tiêu chí ấy. Cũng cần phải nói rằng nên để cho HLV có một lộ trình dài để ông ta chịu trách nhiệm và có thời gian để thực hiện mục tiêu của mình. Chứ qua một giải nào đó, thất bại rồi thanh toán hợp đồng thì cũng rất khó cho ai tồn tại và chứng minh được mình...

. Theo tôi, nếu lấy tiêu chí của VFF thì chỉ có ông và… HLV Riedl là sáng giá nhất?

+ Trong điều kiện bóng đá Việt Nam hiện nay, việc chọn HLV am hiểu bóng đá khu vực và của Việt Nam là tốt. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng hãy để cho HLV có một lộ trình để thực hiện các mục tiêu mà những mục tiêu ấy do HLV trưởng đề ra và có sự chỉnh sửa và thống nhất của VFF. Còn nói tôi hay ai đó là ứng viên sáng giá ư? Tôi không tin điều ấy! VFF vẫn đang chọn người đấy thôi!

. HLV Riedl từng nói rằng ông ấy ít đặt nặng bóng đá trong một đại hội thể thao như SEA Games mà phải đặt nặng các giải như AFF Cup, Asian Cup và vòng loại World Cup… ông nghĩ sao?

+ Đó cũng là một cách nói của ông ấy, vấn đề là khi hai bên ngồi lại với nhau đưa ra một mục tiêu thống nhất thì phải ưu tiên thực hiện những mục tiêu ấy trước.

Ở các nước châu Âu, các giải thuộc về tuyến trẻ hay đại hội thể thao như Thế Vận hội được quan tâm rất kỹ lưỡng nhưng không quá đặt nặng mục tiêu, vì nơi ấy phát hiện những tài năng trẻ để bổ sung cho bóng đá quốc gia và là bước đệm.

Với bóng đá Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tôi lại thấy ngược lại. Có nghĩa ở đấy có sự ưu ái quá lớn cho đội U-23, còn đội tuyển thì rất ít.

. Câu hỏi cuối, nếu bây giờ VFF có lời mời ông làm HLV trưởng thì ông nghĩ sao?

+ Nếu VFF có lời mời chân tình và làm việc thẳng thắn những yêu cầu do hai bên đưa ra thì tôi sẵn sàng ngồi vào đàm phán.

. Xin cám ơn ông.

Dẫn chúng tôi vào căn phòng làm việc của ông tại Bến Lức, HLV Calisto bới tung mọi thứ để tìm bản kế hoạch của ông viết tay và đánh lại bằng vi tính, gồm 12 trang mà giấy đã oái vàng và bản dịch tiếng Việt Nam.

Trong đó, bài đánh giá về tiềm năng và hướng phát triển bóng đá Việt Nam dày tám trang và sau đó là kế hoạch cụ thể về đội U-23 và đội tuyển quốc gia... Ông tìm được khoe chúng tôi và nói vui: “Cái “công trình” mà bạn thấy tôi phải bới tung trong đống tài liệu của mình là cái mà tôi đã chuyển cho VFF từ lâu rồi nhưng tiếc là VFF đã bỏ xó”.

TẤN PHƯỚC thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm