Nhật ký SEA Games: Nước mắt cô gái toàn năng

HCV toàn năng là phần thưởng danh giá của môn thể dục dụng cụ (TDDC). Với miếng băng chặt cứng đầu gối chân phải, Hà Thanh phải gắng gượng từng bước đi khập khiễng. Thế nhưng khi bước ra sàn khởi động, Hà Thanh luôn nở nụ cười rất tươi với những động tác thật mạnh mẽ như quên đi cái đau xé thịt.

Mới ngày hôm trước, chấn thương tái phát khiến Hà Thanh không thể có những động tác chuẩn xác khiến đồng đội đánh mất huy chương trong gang tấc. Cú trượt chân khi nhảy chống và pha tiếp đất loạng choạng ở nội dung xà lệch đã lấy mất nhiều điểm của Thanh.

Là cánh chim đầu đàn của đội TDDC với nhiều kinh nghiệm chinh chiến SEA Games, Hà Thanh được kỳ vọng rất lớn. Thế mà… Tàn cuộc, cô gái Hải Phòng nhỏ nhắn nước mắt nhạt nhòa khóc nghẹn ngào và hối hận như là tác nhân gây ra thất bại khi chỉ cách chiếc HCĐ 0,15 điểm.

Hà Thanh với chiếc băng quấn chặt trên gối nén đau đoạt HCV cho TTVN. Ảnh: CCT

Chiều qua, Hà Thanh ra sân trong sự hồi hộp và lo lắng của đội TDDC vì vết thương đang hành hạ cô gái vàng. Thế rồi sau mỗi nội dung thi đấu, điểm số của Hà Thanh càng bỏ xa các đối thủ. Cho đến khi Hà Thanh hoàn thành bài thi thể dục tự do, nhà thi đấu Bishan như vỡ òa.

Phan Thị Hà Thanh đã bảo vệ thành công ngôi vô địch toàn năng sau hai năm bị gián đoạn với tổng điểm 53,650, vượt qua đối thủ Hadi người Malaysia (51,850 điểm).

Sau cuộc thi, Hà Thanh lại bật khóc như 24 giờ trước đó nhưng lại là những giọt nước mắt hạnh phúc. Cô gái Hải Phòng chia sẻ: “Sau thất bại hôm qua, em rất buồn vì mình làm ảnh hưởng đến thành tích của đồng đội. May mắn bên cạnh em còn có các thầy cô và người thân luôn động viên, giúp em nguôi ngoai đi nỗi buồn. Những ngày trước đó, chấn thương làm em luôn có cảm giác sưng và đau mỗi lần vận động mạnh. Em phải nhờ bác sĩ băng lại thật chặt để quên đi cái đau và cố gắng giữ vững tinh thần. Sau khi thi xong bài xà lệch, nội dung yếu nhất của em với điểm số khá cao, em tin mình sẽ đoạt HCV toàn năng thêm lần nữa”.

Tổng hợp ngày thi đấu 8-6: Thêm ba HCV, tiếp tục xếp nhì sau Singapore

Thể dục: Cùng với HCV của Hà Thanh, hai VĐV Đinh Phương Thành (85,250 điểm) và Phạm Phước Hưng (86,150 điểm) lần lượt đánh bại 10 đối thủ đoạt HCV và HCB.

Wushu: Việt Nam khẳng định thế mạnh ở các môn biểu diễn. Trận chung kết đao thuật nam, võ sĩ Trần Xuân Hiệp với bài thi hoàn hảo đã dành điểm số cao 9,72 đoạt HCV. Kém 0,02 điểm Nguyễn Mạnh Quyền đoạt HCĐ.

Bơi: Ánh Viên đoạt HCĐ chung kết cự ly 50 m. HCV thuộc về Tao Li (Singapore) phá kỷ lục SEA Games (28”90).

Sau đó Ánh Viên bước vào chung kết 100 m tự do nữ và chỉ đạt HCB thành tích 56”05, trong khi Quah Ting Wen (Singapore) giành HCV phá kỷ lục 55”93.

200 m ngửa, Trần Duy Khôi vượt qua Ricky (Indonesia) khoảng 20 m cuối đạt thành tích 2’02”44, xếp sau kỷ lục gia SEA Games Quah Zheng Wen (Singapore).

Chung kết cự ly 50 m tự do nam, Hoàng Quý Phước thành tích 23”71 xếp cuối. Schooling thành tích 22”47 đoạt HCV và nêu kỷ lục SEA Games mới.

Billiards: Việt Nam cầm chắc 1 HCV, 1 HCB khi trận chung kết carom 1 băng (ngày 9-6) là cuộc đối đầu nội bộ giữa Mã Minh Cẩm và Trần Phi Hùng.

Với ba HCV ngày 8-6, đoàn TTVN đã đạt 24 HCV, 11 HCB, 30 HCĐ tạm đứng thứ hai sau chủ nhà Singapore.

MQ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm