U-22 Thái Lan vô địch SEA Games 29 nhờ ông GĐKT?

Có những thứ mang tính đặc thù khó thay đổi một sớm một chiều, nhưng trong khuôn khổ bóng đá Việt Nam thì thừa làm được, chẳng hạn như chuyện ông giám đốc kỹ thuật kề vai sát cánh cùng các đội tuyển Việt Nam mỗi khi đội đi thi đấu nước ngoài. Hay việc bảo vệ một HLV khi thất trận trở về đâu khó và đâu phải là chuyện ngoài tầm tay?

Câu chuyện ông giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Thái Lan (FAT) có những ứng xử kịp thời ra sao để U-22 Thái Lan bảo vệ thành công ngôi vô địch tại SEA Games 29 rất đáng để bóng đá Việt Nam suy ngẫm.

.

GĐKT Laohakul (bìa trái) cứng về mặt chuyên môn và là một người chi phối nhiều vấn đề chuyên môn của các đội tuyển

Khi U-22 Thái Lan khởi đi tại SEA Games 29 rất ì ạch, hòa không có lối ra với U-22 Indonesia và lối chơi bế tắc, lập tức ông GĐKT Laohakul tức tốc từ Bangkok bay sang Malaysia mà kế hoạch trước đó của ông là vào bán kết mới sang. Giữa lúc thầy trò HLV Worawut Srimaka khó khăn, bế tắc, thậm chí là có chút chán chường và hoài nghi lập tức vị GĐKT có mặt.

Cũng cần phải nói rằng, ông Laohakul là một cựu danh thủ Thái Lan những năm 1970, sau đó sang tận Nhật hành nghề HLV trưởng đá J- League Nhật. Nói thế để thấy rằng ông là một nhà chuyên môn giỏi. Việc ông sang Kuala Lumpur sớm hơn kế hoạch đã kịp thời “xốc” lại tinh thần thầy trò HLV Worawut.

Tại SEA Games 29 nhiều khi HLV Worawut bế tắc và áp lực không lối ra

Với tuổi tác hành nghề và quá trình… chinh chiến, ông GĐKT này không khó để làm chỗ dựa cho thầy trò HLV Worawut Srimaka. Dẫu biết rằng, Worawut cũng là một cựu danh thủ Thái Lan, nhưng lần đầu cầm quân đi “đánh” trận quốc tế và áp lực vô địch không phải là đơn giản.

Vì thế, sự xuất hiện kịp thời của ông Laohakul như một liệu pháp “chữa trị cấp bách” nhiều thứ cho thầy trò Worawut, trong đó vực dậy tinh thần, xây dựng sự tự tin về chuyên môn cho HLV Worawut là điều quan trọng….Và cuối cùng U-22 Thái Lan đã vượt qua khó khăn và băng băng về đích.

Nhưng sự xuất hiện của ông Laohakul, cầu thủ và HLV trưởng tự tin hẳn lên

…Thế còn những đội tuyển của Việt Nam, ai là người “kề vai sát cánh” cùng các HLV? Tại SEA Games 29, thì Tổng thư ký Lê Hoài Anh biết gì về chuyên môn bóng đá đỉnh cao, bóng đá quốc tế cấp đội tuyển mà làm trưởng đoàn và thậm chí phối hợp với HLV Hữu Thắng về mặt chuyên môn? Các đội trẻ cũng thế từ U-16, U-19...các vị làm trưởng đoàn theo kiểu “cắt cử đi đổi gió” là chính. Khi gặp khó khăn thì chỉ có mỗi HLV trưởng tự xoay sở.

Từ châu Âu cho đến châu Á, các trưởng đoàn hầu hết là những cựu danh thủ, những nhà chuyên môn giỏi, từng trải… Khi đội tuyển, Ban huấn luyện gặp khó, lập tức vai trò của trưởng đoàn phát huy ngay. Về mặt chuyên môn, họ chẳng thua gì HLV trưởng, thậm chí giỏi hơn, tỉnh hơn và lạnh hơn để lần lượt giải quyết các vấn đề.

Các HLV cấp đội tuyển của bóng đá Việt Nam không có được người bạn đồng hành này. Đã thế khi đội thua là họ lại chơi trò trốn tìm và ngại chịu trách nhiệm liên đới.

Việc HLV Nguyễn Hữu Thắng thất bại tại SEA Games vừa rồi về nước và một mình HLV này đối phó với dư luận thế nào thì ai cũng đã biết. Không có quan chức nào đứng ra chia sẻ với HLV trưởng, với dư luận. Trong khi đó những nhà chuyên môn, Hội đồng HLV Quốc gia thì không can ngăn kịp thời mà chỉ biết chỉ trích sai lầm. Không phải cách giải quyết như kiểu ông GĐKT Laohakul của Thái Lan giải quyết vấn đề.

Tới đây U-23 Việt Nam đứng trước thềm vòng chung kết U-23 châu Á  rất quan trọng. HLV Park Hang Seo thì chưa rành U-23 Việt Nam, lại càng không biết gì về các đối thủ. Ai sẽ là cánh tay đắc lực, bản lĩnh, giỏi chuyên môn để trợ giúp ông ấy những lúc cần thiết khi phát sinh vấn đề?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm