Sau HLV Miura còn ai nữa?

Ông Trần Quốc Tuấn không dễ dàng bỏ chiếc ghế tổng thư ký VFF nếu không gặp phải sức ép dữ dội từ giới chuyên môn lẫn dư luận. Thất bại của đội tuyển U-23 Việt Nam dưới thời HLV Goetz không thể tiêu hóa nổi khi bị loại ngay ở vòng bảng SEA Games.

Hồi ấy ông thầy người Đức được chính VFF cho rằng có nhiều bằng cấp “dữ dội” nhất so với các đời HLV ngoại nhưng khi vào việc đã không phản ảnh rõ chất lượng. Đáng nói là VFF sau khi sa thải HLV Goetz đã vấy đổ gánh trách nhiệm cho Hội đồng HLV quốc gia nhưng bị phản ứng dữ dội. Lần ấy, thành viên Lê Thế Thọ thẳng thắn nói VFF thuê chuyên gia ngoại không hề thông qua Hội đồng HLV quốc gia và bản thân ông chẳng biết HLV Goetz là ai cả. Ông còn nói thêm về việc VFF không mời hội đồng này quan sát một buổi tập nào của đội tuyển, đến cả cái vé vào sân xem đội thi đấu cũng không thì biết gì về trình độ thầy ngoại mà đánh giá.


HLV Miura đến với bóng đá Việt Nam đã không qua những khâu tuyển chọn, kiểm nghiệm của một hội đồng mà chỉ là chuyện của hai người gật đầu. Ảnh: XUÂN HUY

Câu chuyện năm năm trước gần giống thời thầy ngoại của các đội tuyển quốc gia bây giờ. Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết việc ký hợp đồng do ông đặt bút nhưng trước đó, lý lịch của HLV Miura đã được Hội đồng HLV quốc gia xem xét kỹ lưỡng (!?). Chẳng hạn trong danh sách ứng viên, có người thích cựu danh thủ Desailly của Pháp nhưng mức lương tuần cao quá. Những người còn lại chỉ có ông Miura nổi bật hơn cả, lại do LĐBĐ Nhật tiến cử.

Cần biết rằng chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia thời điểm đấy do chính Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn kiêm nhiệm nhưng “lời khuyên” có trách nhiệm nhất trong việc thuê ông Miura là của Phó Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển thì lại bị bỏ qua. Ông Hiển đưa ra hàng loạt phản biện theo phân tích chuyên môn nhưng chẳng ai đoái hoài đến.

Năm năm trước, ông Trần Quốc Tuấn được khuyên rời ghế tổng thư ký VFF về lại Tổng cục TDTT và sau đó trở lại lợi hại hơn xưa. Có những việc ở VFF hầu như chỉ có ông và chủ tịch VFF nắm, như ủy viên Ban Chấp hành Nguyễn Hồng Thanh gọi VFF là công ty TNHH hai thành viên. Còn ông Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ nằm trong Thường trực VFF dẫn chứng thêm lần VFF sa thải HLV Takashi của đội tuyển nữ lúc nào không ai biết. Mãi đến hơn một tháng sau, trong cuộc họp Ban Chấp hành VFF mới biết, nghĩa là có nhiều chuyện người ta tự quyết cả rồi.

Trở lại chuyện của HLV Miura sau gần hai năm gắn bó, VFF không thể sa thải một cách nhẹ nhàng là xong mà ít nhất dư luận cũng cần biết, ai chịu trách nhiệm trong việc thuê thầy ngoài mà bỏ qua hàng loạt khâu “kiểm định” lẫn phản biện dưới góc độ chuyên môn.

Thường trực VFF sẽ quyết định tương lai HLV Miura

Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết VFF sẽ ngồi lại để rút kinh nghiệm về những mặt đã làm được và chưa của HLV Miura sau gần hai năm qua. Trách nhiệm của ông Lê Hoài Anh ký hợp đồng với thầy ngoại cũng do Thường trực VFF đánh giá. Một thành viên VFF tiết lộ hợp đồng với ông Miura chỉ còn hơn hai tháng nữa là hết hạn mà hai bên chưa bàn thảo sẽ ký tiếp thì đồng nghĩa nó sẽ chấm dứt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm