Tản mạn: Bóng đá VN và câu chuyện niềm tin

Dùng chính câu hỏi của bình luận viên Xuân Cường, tôi đặt ra với một đại diện trong Hội Cổ động viên VFS thì nhận được câu trả lời hết sức thẳng thắn: “Đây chỉ là ý kiến cá nhân tôi chứ không đại diện cho Hội Cổ động viên VFS, chúng tôi tin vào bóng đá Việt Nam nhưng chưa tin vào những người điều hành bóng đá Việt Nam!”.

“… Nhìn đâu cũng thấy vi trùng”

Phải nhắc lại câu nói của cựu Tổng Thư ký VFF Trần Bảy có lần trách truyền thông: “Các anh tìm hiểu và nói về bóng đá, về VFF cứ như bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Chúng tôi cũng có cái tích cực và đáng để biểu dương nhưng khi đọc và nghe báo chí đề cập thì chỉ toàn chuyện xấu thôi…”.

Ông Trần Bảy nói khi đấy là nhiệm kỳ II VFF nhưng bây giờ đến nhiệm kỳ VII rồi vì sao nó vẫn còn nguyên suy nghĩ đấy?

Nhiệm kỳ VII đúng là đã có bước chuyển tích cực nhưng vì sao điều cần thiết là niềm tin thì lại chưa được người hâm mộ ghi nhận?

Đó là nhiệm kỳ với khởi điểm là các doanh nghiệp điều hành bóng đá và hơn ai hết chính trong Tổng cục TDTT càng hiểu để “cất” được ông Lê Hùng Dũng (khi đấy đang là chủ tịch HĐQT Eximbank, là người có công mang tiền tài trợ của Eximbank cho các hoạt động bóng đá và các giải bóng đá) thì phải trải qua nhiều bước khó khăn như thế nào. Khi đấy ai cũng mừng ra mặt khi cạnh ông Dũng còn là ông Đoàn Nguyên Đức - người từng được khen là hết mình với bóng đá và có trong tay lứa cầu thủ vàng nổi đình nổi đám sau khi kết hợp với Arsenal làm học viện.

Nhưng doanh nghiệp làm bóng đá cũng có cái “bệnh” của doanh nghiệp. Đó là sự nhạy cảm với việc lời lỗ, là đồng tiền đi liền khúc ruột... Thậm chí là cái kiểu điều hành công ty cũng thường xuyên được ứng dụng vào tổ chức VFF. Đó là lý do vì sao Ủy viên Ban Chấp hành Nguyễn Hồng Thanh - người làm bóng đá lâu hơn tất cả các ông trong Thường trực VFF - đã có ít nhất hai lần đứng lên chất vấn thẳng tại đại hội và Hội nghị Ban Chấp hành VFF là “Các anh đứng đầu và nắm quyền điều hành bóng đá nhưng lại biến nó hoạt động theo kiểu công ty TNHH hai thành viên”. Ở đây cả ban chấp hành ai cũng hiểu là ông Thanh chê cách làm việc ở VFF không theo cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và việc gì cũng là ông Lê Hùng Dũng và ông Trần Quốc Tuấn bàn rồi quyết tất.

Đến khi nào tất cả cùng nhìn một hướng thì mới khôi phục được niềm tin của người hâm mộ. Ảnh: XUÂN HUY

Thế nên cũng không phải tự nhiên mà ông Nguyễn Văn Chương - nguyên Quyền Giám đốc Trung tâm Đào tạo trẻ - làm đơn tố cáo đích danh ông Dũng và ông Tuấn nhận hối lộ, đồng thời sẵn sàng đối chất và chưng ra bằng chứng. Sau này thấy các cơ quan có chức năng làm không đến nơi đến chốn, ông Chương đã chuyển đơn tố cáo lên FIFA tức ngoài tầm với của Tổng cục TDTT, của Bộ VH-TT&DL và mới đây ông Chương đã được FIFA trả lời.

Chuyện đúng sai ở đây chưa bàn tới nhưng rõ ràng những va đập đấy đã ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề niềm tin. Bởi nó là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam có một ông chủ tịch và một ông phó chủ tịch thường trực bị tố cáo đến tận FIFA và đơn đấy đã được FIFA hồi đáp là đã chuyển đến bộ phận điều tra của Ban Đạo đức.

Trách báo chí nhìn đâu cũng thấy vi trùng nhưng nếu nhìn lại trong chính nội bộ của bộ máy điều hành VFF thì thử hỏi ở đâu cho các CLB, cho người hâm mộ thấy được niềm tin?

Một bộ máy mà cơ quan đầu não ông phó chủ tịch truyền thông báo cáo sự thật với lãnh đạo quản lý về mặt nhà nước thì vài ngày sau lại bị ông Thường trực VFF lên mặt báo tố cáo là “giết” liên đoàn, là xin tiền ông chủ tịch không được nên nói thế (!?)…

Họ - chỉ có năm người cao nhất trong một ngôi nhà mà không tin nhau thì ai tin họ?

Tập thể giải quyết sản phẩm lỗi của hai người

Chuyện ông Miura tưởng là không liên can gì đến niềm tin nhưng lại thể hiện rõ nhất qua cách hành xử với chuỗi dài gần hai năm.

Hỏi Ban Chấp hành VFF ai thuê ông Miura thì hầu như tất cả đều trả lời hai ông làm nên “công ty TNHH hai thành viên” trong VFF. Chuyện mà có lần ông Đức tức giận đã quát thẳng là vi phạm nghị quyết VFF, là không rõ ràng trong việc thuê ông Miura mà thời điểm đấy ông Đức còn không biết lương ông Miura bao nhiêu và ai đứng sau đó tài trợ cho việc thuê ông Miura. Đó là lý do mà có lần bầu Đức đã lớn tiếng đòi sa thải ông Miura và hứa sẽ kiếm nhà tài trợ khác chi đậm hơn đối tác Nhật nào đó chi cho việc thuê ông Miura…

Sau lần bị chỉ trích đấy, không hiểu ông Miura nghĩ gì nhưng ông đã chọn đến hơn nửa đội hình có lứa cầu thủ của bầu Đức tham dự đội U-23. Nhiều người nói đó là sự nhượng bộ dù sau đó ông Miura tiếp tục bị ông Đức lên án qua việc khẳng định ông Miura có kéo nhiều quân HA Gia Lai lên thì cũng sẽ làm “hỏng” đám nhỏ bởi phương pháp huấn luyện và lối chơi...

Nói ông Miura “chết” vì lứa cầu thủ của bầu Đức ít được ông trọng dụng cũng đúng, mà nói ông Miura bị “trảm” vì mất niềm tin cũng chẳng sai. Đến với bóng đá Việt Nam ông được ông chủ tịch và phó chủ tịch thường trực VFF tin tuyệt đối và giao khoán mọi việc mà không cần phải phản biện với hội đồng chuyên môn, hội đồng HLV mà ở quốc gia nào HLV trưởng cũng phải trải qua. Có nghĩa ông Miura trong suốt hai năm trời dẫn dắt bóng đá Việt Nam cũng chỉ làm việc với “công ty TNHH hai thành viên” và được bảo đảm từ đấy kể cả khi ông Miura làm trái với nghị quyết VFF. Ở đây cần phải nói thêm là trong các đời HLV ngoại thì ông Miura là người duy nhất không phải họp tổng kết, không phải báo cáo sau mỗi giải đấu.

Không khó để thấy rằng ông Miura là nạn nhân và là người phải giải quyết những mâu thuẫn trong ngôi nhà VFF mà năm “quản gia” không nhìn về một hướng. Ông Miura luôn nghĩ mình không sai vì làm việc với “công ty TNHH hai thành viên” ông có bị buộc phải đá đẹp hay phải dùng quân HA Gia Lai đâu. Và điều ông có thể kiện ngược lại khi bị sa thải là ông luôn hoàn thành chỉ tiêu và không vi phạm gì (dù ông không làm điều đấy và cũng cao thượng khi từ chối hai tháng lương đền bù của VFF).

Đấy cũng là lý do trong hội nghị bất thường VFF mới đây, không phải là ông Dũng chủ trì, cũng chẳng phải là ông Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn mà là ông Đoàn Nguyên Đức. Và ông Đức đã dẫn dắt hội nghị đến phần biểu quyết sa thải HLV Miura. Việc mà khi thuê ông Miura chỉ có hai thành viên gật gù với nhau thì đến lúc sa thải cũng chỉ cần hai thành viên đấy là đủ nhưng hai người trong “công ty TNHH hai thành viên” VFF khéo léo đẩy quả bóng qua bầu Đức và tập thể ban chấp hành biểu quyết việc sa thải ông Miura.

Đấy cũng là lần đầu VFF giữ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo dù đấy là phần giải quyết cái sai của “công ty TNHH hai thành viên”. Có điều là chắc chắn ban chấp hành không biết là khi họ giơ tay biểu quyết thì hôm trước ông Trần Quốc Tuấn và ông Đoàn Nguyên Đức đã gặp riêng HLV Nguyễn Hữu Thắng để bàn về vai trò người thế vai ông Miura.

Vì sao bộ máy mới tưởng là mới cứ để người hâm mộ lấn cấn về niềm tin?

“Ông Dũng là người tốt và muốn bóng đá phát triển nhưng…”

Trao đổi với tôi, cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ chia sẻ: “Ông Dũng là người tốt và mong muốn làm chủ tịch VFF để thay đổi và để đưa bóng đá nước nhà sang trang nhưng nỗi khổ của ông Dũng là quản lý và điều hành bóng đá kiểu doanh nghiệp.

Tản mạn: Bóng đá VN và câu chuyện niềm tin ảnh 2

Ông Lê Hùng Dũng và ông Nguyễn Trọng Hỷ. Ảnh: XUÂN HUY

Ông Dũng tin dùng ông Trần Quốc Tuấn như chủ doanh nghiệp sử dụng tổng giám đốc. Ông Dũng chẳng tin ai ngoài ông Tuấn nên trao cho ông Tuấn chức phó chủ tịch trực nắm quyền điều hành thay ông rồi đến khi ông Dũng thấy mọi việc như tuột khỏi tầm tay rõ ràng là thắng lại không kịp nữa rồi. Thời của tôi ít nhiều tôi cũng là nhà quản lý thể thao nên tôi biết người, biết việc chứ không trao hết cho một người…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm