Thầy và thợ

Từ thời ông Weigang năm 1995 giúp bóng đá Việt Nam đoạt HCB SEA Games, chúng ta đã sống với giấc mơ đoạt vàng Đông Nam Á và tại nhiều thời điểm cứ ngỡ mình sắp bơi ra khỏi “ao làng”.

Mục đích thuê thầy ngoại

Suốt 12 năm qua, mơ ước vàng chỉ là ước mơ khi các nhà làm bóng đá Việt Nam còn nhầm lẫn giữa việc săn cái ngọn thành tích hơn việc gia cố lại từ nền móng. Ngay đến việc lần thứ ba tái ký hợp đồng với ông Riedl gần ba năm trước, VFF ấn vào tay ông ba đội tuyển và đòi hứa lấy vàng Đông Nam Á chứ không phải yêu cầu ông xây nhà từ móng.

Riedl thất bại và đi rồi, bóng đá Việt Nam lại thêm một lần hụt hẫng và ngay bây giờ lại nghĩ đến chuyện “làm lại từ đầu” như nhiều lần thất bại.

Sẽ không thừa khi đặt lại vấn đề: Thuê thầy ngoại để làm gì?

Thực chất ở thời điểm này, các chuyên gia đều chỉ ra rằng bóng đá Việt Nam nên có thầy ngoại hơn là dùng thầy nội. Không phải HLV nội không đủ sức nhưng cái chính là thầy nội không được trao đầy đủ quyền hành lẫn quyền lợi như thầy ngoại để chạy một đội tuyển. Đó là chưa kể trong nhiều đợt, thầy nội nắm đội lại bị vạch ra chuyện tiêu cực từng vướng mắc thế là không nói, không lệnh cho trò được.

Các nhiệm kỳ VFF hầu hết đều nhầm lẫn giữa việc thuê thầy ngoại để có thành tích tức thời và thuê để kế thừa một lộ trình xuyên suốt trong một chiến lược lâu dài, có trọng điểm.

Việc thuê thầy ngoại nhiều lúc chỉ dừng ở chỗ dễ có huy chương hoặc là thợ làm nên thành tích tức thời, đồng thời khi thua thì có chỗ để “đổ”.

Đây là lý do năm 1998, khi đến Việt Nam, ông Riedl thốt lên “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc!” và bây giờ khi rời Việt Nam, ông Riedl không thay đổi khái niệm đấy.

Đằng sau cuộc chiến giữa “nước” và “lửa”

Việc VFF hối hả tìm thầy ngoại điền vào chỗ trống của Riedl để lại sao giống với cách đây gần ba năm, sau thất bại ở Tiger Cup 2004. Hồi ấy, HLV Tavares bị sa thải sau khi Việt Nam bị loại ở vòng bảng, VFF lại loay hoay chọn người thay thế. Khi ấy, Quyền Tổng Thư ký VFF Phan Anh Tú đã rất sốt sắng đặt ngay ông Calisto và Riedl lên bàn cân rồi nghe ngóng dư luận.

Theo quy trình chọn và thuê thầy ngoại, Hội đồng HLV quốc gia sẽ chấm các ứng viên vào vòng chung kết, rồi phân tích điểm mạnh, yếu từng người giúp VFF cân nhắc và thông qua. Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển khi ấy còn được nhờ tư vấn và bỏ phiếu chọn HLV ngoại nhưng thực chất VFF mà người quyết cuối cùng là Quyền Tổng Thư ký Phan Anh Tú đã lên mâm lên bát cả rồi.

Nhiều người tiết lộ ông Phan Anh Tú một thời là trợ lý ngôn ngữ của Riedl nên chắc chắn ưu ái bạn hiền hơn ông Calisto. Thêm nữa, người nhà VFF ví von Riedl là “nước” dễ lắng nghe và dễ bảo, khác hẳn với “lửa” Calisto hay nóng nảy và phát biểu gây sốc. Đấy cũng chính là nguyên nhân ông Calisto sau thành công ở Tiger Cup 2002 lại thất cử hồi đầu năm 2003 ở cuộc chạy đua với Tavares. Một năm sau, Hội đồng HLV quốc gia, đứng đầu là ông chủ tịch hội đồng - trưởng đoàn bóng đá Nguyễn Sĩ Hiển ở Tiger Cup 2004, thừa nhận chọn Tavares là sai lầm.

Thế nên rất dễ hiểu, sau khi thất sủng, việc ông Hiển được đặt vào chiếc ghế tham gia chọn HLV ngoại chỉ là cái cớ trong một cuộc chơi mà các quân cờ sắp sẵn, đâu đã vào đấy. Sau cuộc bỏ phiếu kín của thường vụ VFF với 12 thành viên, ông quyền tổng thư ký cười bí hiểm, thông báo Riedl đắc cử nhưng không tiết lộ số phiếu bầu bán của Riedl hơn hay Calisto hơn.

Cuộc chiến giữa “nước và lửa” chưa dứt nhưng bây giờ VFF đã “lệnh” cho Hội đồng HLV quốc gia tham vấn và thẩm định năng lực thầy ngoại lần thứ tám cho bóng đá Việt Nam như một cách tái sinh lực lượng chỉ có trên giấy. Lại cũng là một cách tìm thầy trên tiêu chí thợ như đã từng tìm và từng vướng mắc.

Ông Calisto: “VFF không fair-play!”

HLV người Bồ Đào Nha Calisto vừa buồn vừa ấm ức với kiểu đối xử của VFF ngay từ khi vào vạch xuất phát, VFF đã soạn sẵn hợp đồng trong trường hợp thanh lý bất khả kháng sẽ theo quy chế của nước... Áo (quê hương ông Riedl). Chi tiết ấy cho thấy đã có một chủ ý chọn Riedl từ trước của VFF chứ không phải vô tình theo kiểu bầu bán dân chủ khi thêm cái tên Calisto. Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái sau đó buộc VFF phải gửi thư xin lỗi Calisto sau cái việc lấp liếm và dùng bình phong che mắt dư luận ấy.

GH

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm