Thực và ảo

Đấy cũng là khao khát của một nền bóng đá nhỏ muốn thoát ra khỏi ao làng Đông Nam Á và bắt đầu từ việc gia nhập vào đội ngũ lê dương mạnh nhất vùng.

Lần đầu tiên năm 1998 có hai tài năng trẻ Việt Thắng và Đinh Cường học việc không nổi ở một CLB hạng ba Pháp. Sau đó, Việt Thắng còn được sang Bồ Đào Nha năm tháng tập duy trì ở đội trẻ Porto chờ hết hạn treo giò chứ không có cửa thi đấu. năm 2001, Huỳnh Đức có hợp đồng trao đổi vài tháng mang tính thương mại với CLB Lifan (Trung Quốc) chỉ để ngồi dự bị chứ chả thu hoạch gì về chuyên môn; Năm 2003 có Mai Tiến Thành sang Leeds United (Anh) thử việc rồi về. năm 2004 có Trung Tuấn sang Thái Lan chỉ đủ sức chơi cho đội bóng hạng nhất chờ hết án treo giò ở V-League hơn là học hỏi...

Thế mới biết giữa hiện thực môi trường bóng đá ngoại quốc và ước mơ nâng tầm của bóng đá Việt Nam vẫn còn xa vời lắm! Nó đòi hỏi cả một chiến lược với sự hỗ trợ từ nhiều phía và một nền tảng căn bản của cầu thủ chứ không đơn giản muốn là được hoặc nói để làm giá.

2. Huy Hoàng cười bí hiểm vì cái tin Manchester City đòi mua đôi chân có gắn cái đinh vít của mình. Cái này rõ ràng là tin vịt bởi không có nguồn để kiểm chứng và Huy Hoàng đâu cần phải đính chính.

Công Vinh thì cười gượng gạo khi nghe một phóng viên Nhật Bản cho ăn bánh vẽ nếu sang Nhật chơi bóng ở hạng hai, hạng ba cũng có mức lương tháng 10.000 USD. Thật khó tin tay phóng viên này có giấy phép môi giới cầu thủ hợp pháp của FIFA và được ủy quyền của các đội bóng lớn của Nhật. Vụ này giống như cuối năm trước, Hữu Thắng sau hơn một năm chấn thương trở lại chơi ở King’s Cup còn khập khiễng, thế mà có một phóng viên Thái phao tin BEC Tero muốn mua anh. Rốt cuộc cái tin ấy là do phóng viên sướng miệng nói cho vui với bạn bè mà không ngờ bị tương lên báo.

Mới đây lại có tin đồn Ninh Bình sẵn sàng chi sáu tỷ mua bộ ba Huy Hoàng - Công Vinh - thủ môn Hồng Sơn của Sông Lam Nghệ An. Thực hư chưa rõ, chỉ biết các trụ cột đang lên hương nhờ xấp cổ phiếu giá rẻ và trả góp của nhà tài trợ tài chính dầu khí vội vàng bán tháo để giữ chân cầu thủ.

Hy vọng những tin đồn ấy không phải là một cách để làm giá khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ bắt đầu rục rịch tranh tối nhiều hơn tranh sáng. Như vụ Chaiman ba năm trước “bịp” Ngân hàng Đông Á phải lót tay đến 60.000 USD.

Coi chừng tin đồn khiến nhiều người tiền mất tật mang!

GIA HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm