VĨNH BIỆT DANH THỦ TRƯƠNG TẤN NGHĨA

Thương tiếc anh Nghĩa “nhọt”

Trương Tấn Nghĩa sinh năm 1935 tại huyện Cần Giuộc, Long An. Sau hiệp định đình chiến Genève, ông cùng cha là cố danh thủ Trương Tấn Bửu tập kết ra Bắc và hai cha con là một trong những trụ cột của đội Thể Công trong những năm đầu tiên của đội bóng quân đội. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đã trở lại TP.HCM và được phân công làm chủ nhiệm Sân vận động Hoa Lư cho đến khi nghỉ hưu.

Trương Tấn Nghĩa có tố chất cực tốt, những ngày từ đội Thể Công vào đội tuyển quốc gia chuẩn bị xuất ngoại chuyến đầu ở Trung Quốc năm 1956 đã chứng kiến một cầu thủ trẻ rất khỏe và dẻo dai. Trường huấn luyện chưa có, đội tuyển tập trung ở khá chật và do thời tiết nóng nực, có vài người bị lên nhọt, trong đó có Trương Tấn Nghĩa và sau đó cái biệt danh Nghĩa “nhọt” xuất hiện. Chuyến đi Trung Quốc năm ấy để lại một kỷ niệm đẹp cho bóng đá Việt Nam. Trong trận thi đấu trên sân Tiên Nông Đàn ở Bắc Kinh và với tuyển Trung Quốc đang nổi lên những danh thủ như trung phong Trương Hồng Căn, thủ môn Trương Tuấn Tú, cặp tiền vệ lợi hại Niên Duy Tứ và Phương Nhuận Thu…, Trương Tấn Nghĩa đã gây bất ngờ với hơn 30.000 khán giả bằng cú sút từ 40 m vào lưới thủ môn đối phương, rút ngắn tỉ số 1-2. Cú sút ấy được các cựu danh thủ xem là “ác” nhất trên đấu trường quốc tế và hai ngày sau trận đấu ấy, phóng viên tờ Trung Hoa Thể Dục Báo đã viết bài khen ngợi các cầu thủ hai đội, trong đó có ba người cùng họ Trương. Kết thúc chuyến đi ấy, trên đường về nước đội đã đá trận giao hữu với tuyển Quảng Tây (thứ ba toàn quốc năm ấy) trên sân Nam Ninh và ghé qua giao lưu với trường thiếu sinh quân ở đây. Tôi còn nhớ các bạn miền Nam tập kết, mới sang Trung Quốc từ năm 1955, rất vui và cứ chạy đi tìm chú “bắt bít” (gôn) cùng tiền đạo họ Trương. Hôm sau, chúng tôi xếp hàng đi bộ ra Nam Ninh xem đội ta thi đấu và vô cùng hứng khởi khi thấy bộ tam vệ Te - Nghẽn - Tòng cùng “ngũ hổ” tiền đạo chơi rất hay là Nghĩa - Mạnh - Tuất - Đô - Thịnh. Trận ấy, bạn kèm Nghĩa rất chặt nên thắng 2-1, bên ta Tuất ghi bàn rất đẹp, ngoài ra Te bị rách môi khi tung người phá bóng…

Thương tiếc anh Nghĩa “nhọt” ảnh 1

Bác Trương Tấn Nghĩa trước lúc mất còn ôn lại những kỷ niệm xưa (trái). (Ảnh: Gia đình cung cấp); Trương Tấn Nghĩa và cha là Trương Tấn Bửucùng một màu áo. Ảnh: TƯ LIỆU

Nhưng còn ít người biết những phẩm chất còn lại của Trương Tấn Nghĩa. Khi thành lập trường huấn luyện (Nhổn) và sau những lần tập trung lên tuyển của các cầu thủ Thể Công ở làng Đại Tự ngay gần đó, bạn bè phát hiện Trương Tấn Nghĩa có nước chạy tốc độ rất xuất sắc. Điều này giải thích việc ông bắt tốc độ vượt lên ghi nhiều bàn thắng. Cả cái ngày mà miền Bắc bắt đầu tổ chức phong cấp kiện tướng thể thao và kiểm tra, người ta mới rõ thêm một kỷ lục khác: Trương Tấn Nghĩa tâng bóng lâu nhất trường huấn luyện, tức là nhất miền Bắc lúc ấy!

Là người chứng kiến thời Nghĩa “nhọt” thi đấu, tôi xin điều chỉnh chi tiết mà có bạn trẻ nêu rằng ông Nghĩa đá trung phong. Từ ngày ở Thể Công cho đến khi qua Trung Quốc năm 1956, Trương Tấn Nghĩa chỉ đá cánh phải. Vị trí mà ông có thói quen chạy vọt lên đón các đường chuyền dài vượt tuyến từ sân nhà. Duy nhất một lần năm 1957, cũng là lần đầu đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời bấy giờ sang Campuchia đá là Trương Tấn Nghĩa được bố trí vào giữa, còn hữu biên là Vũ Quang Minh (đang đá Tổng cục Đường sắt và là cha của cựu tuyển thủ Vũ Minh Hiếu đội CAHN sau này). Sau đó, ông luôn chiếm vị trí tiền đạo phải cho đến khi nghỉ thi đấu. Cùng tôi ôn lại chuyện này, ông Vũ Quang Minh khẳng định rằng cho đến giờ, nếu cánh trái hay trung phong là có nhiều song rất khó tìm ra một tiền đạo phải như Trương Tấn Nghĩa. Một mũi nhọn giàu cá tính, rất gai góc trong thi đấu nhưng lại rất đáng yêu về phong cách.

Thương tiếc một cái tên đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam…

AMA LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm