Thương tiếc thầy Tư

Năm 2000, khi Đà Nẵng đăng cai vòng chung kết U-16 châu Á - giải đấu mà lứa Văn Quyến gây sốt khi hạ nhục U-16 Trung Quốc được ăn tập dầm dề ở nước ngoài khiến cả nước hào hứng - thì vẫn không thấy bóng dáng HLV Vũ Văn Tư vào sân Chi Lăng xem bóng đá. Tuy nhiên, tìm ông khi ấy thật dễ, bởi sáng nào ông cũng ngồi đúng một cái ghế ở quán cà phê cóc trên đường Ngô Gia Tự cạnh sân Chi Lăng mà rít thuốc liên tục…

Phong cách Vũ Văn Tư tác động đến bóng đá xứ Quảng

Hình ảnh đấy thật quen thuộc khi những năm 1990 có những lúc cùng ông rong ruổi với đội Quảng Nam Đà Nẵng (QNĐN) dọc xuôi khắp mọi miền đất nước. Một phong cách rất riêng mà bóng đá Việt Nam hồi đấy nhiều HLV, nhiều đội bóng chỉ nghe thấy cái tên Vũ Văn Tư ngồi ở khu kỹ thuật vừa rít thuốc vừa cười khẩy thì đã ngài ngại. Nói như tiền đạo Phan Thanh Hùng (nay là HLV đội Hà Nội T&T) là: “QNĐN hồi đó mạnh đến độ muốn thắng ai thì thắng và ra sân đội nào cũng ngại!”.

Dân Hải Phòng chính gốc từng oanh liệt một thời với bộ tứ “Tư, Túc, Dịp, Việt” của những năm 1960 nhưng Vũ Văn Tư lại thành danh với nghiệp HLV ở đất QNĐN. Nơi mà ông từng dìu dắt lứa thế hệ vàng của bóng đá xứ Quảng với những cái tên đi vào lịch sử như Trần Minh Toàn, Phan Thanh Hùng, Lê Văn Sinh, Bùi Thông Tuân, Bùi Thông Tân, Nguyễn Hữu Cầu, Phan Công Thìn, Hoàng Kim Tuấn, Trương Văn Lợi… Chỉ tiếc là ông không đi trọn cùng lứa cầu thủ do mình dìu dắt đến đỉnh vinh quang lên ngôi vô địch quốc gia và đoạt Cúp Quốc gia năm 1992. Tuy nhiên, cả làng bóng Việt Nam không ai phủ nhận thế hệ vàng đấy là do bàn tay ông dìu dắt đưa đội QNĐN có cá tính riêng và lần tập trung cho SEA Games 1991 “lính” Vũ Văn Tư có đến sáu cầu thủ lên tuyển còn ông thì ngồi ở cabin ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam.


HLV Vũ Văn Tư khi còn chỉ đạo đội bóng (ảnh phải). Đội trưởng Trương Văn Dưỡng (Hải Quan) và đội trưởng Phan Thanh Hùng (QNĐN) năm 1990. Ảnh: ĐẶNG HOÀNG

Tác giả của vụ kiện hi hữu

Hồi đấy bóng đá QNĐN mời được Vũ Văn Tư làm HLV trưởng như bắt được mỏ vàng bởi ông đủ cơ để “nắn” cả những quan chức VFF hay những giám sát thời bấy giờ hay có thói quen bắt nạt các địa phương trong thời bóng đá bao cấp. Điển hình là trận bán kết QNĐN - Hải Quan năm 1990 trên sân Chi Lăng khi Trung Hải ghi bàn thắng ở phút 114 (đá hai hiệp phụ) thì ông nói nhỏ trợ lý của mình làm đơn kiện cầu thủ Hải Quan vào sân không hợp lệ.

Đó là vụ kiện hi hữu trong làng bóng Việt đến độ tranh cãi không chỉ hai đội bóng mà của cả những ông giám đốc Sở TDTT với những quan chức của ngành thể thao. Vụ kiện khiến bóng ngừng lăn sau bàn thắng ở phút 114 và giám đốc Sở TDTT TP.HCM hồi bấy giờ là Lê Bửu ra lệnh cấm Hải Quan đá lại. Kết quả là QNĐN vào chung kết nhưng BTC cũng không dám xử Hải Quan bỏ cuộc (!?).

Sau này gặp lại tôi bên ngoài sân Chi Lăng, ông Tư rít thuốc cười khẩy và bật mí: “Tôi biết đám giám sát ấm ớ lại sợ khán giả nhà và mù luật nên đẩy trợ lý ra kiện thử để xem từ trọng tài đến giám sát và Tổng cục TDTT hành xử thế nào. Rõ ràng là một đám ấm ớ nên mới xử đá lại chứ đúng luật thì Hải Quan năm đấy đi chung kết rồi…”.

HLV nghèo nhất Việt Nam

Không biết có phải vì áy náy với lần “thử” đấy hay không mà năm 1991, ông Vũ Văn Tư dẫn dắt QNĐN vào đến chung kết gặp lại Hải Quan trên sân Thống Nhất thì thầy trò ông thua trên chấm 11 m. Một trận thua mà đến tận bây giờ chính nhiều người đánh dấu hỏi vì sao QNĐN mạnh hơn rất nhiều, từng loại Thể Công, CSG thế mà hai lần dẫn trước Hải Quan đều để gỡ hòa và thua trên chấm 11 m lại đều do những trụ cột đá hỏng. Điều mà sau này có lần trà dư tửu hậu với Vũ Văn Tư thì ông chỉ thở dài phân tích: “QNĐN không vô địch năm đấy thì năm sau còn có thể vô địch (đúng là năm 1992 QNĐN vô địch - NV) nhưng Hải Quan không vô địch năm đấy thì không bao giờ. QNĐN vô địch năm đấy thì cũng chỉ có cúp và tiền thưởng còn Hải Quan vô địch năm đấy thì hơn nửa đội hình được tuyển vào biên chế làm ở Hải Quan. Tôi muốn vô địch lắm chứ nhưng bóng đá bao cấp hồi đấy có những thứ ân tình không thể cưỡng lại được…”.

Đấy cũng là lần cuối mọi người thấy ông Tư còn ngồi trên ghế HLV trưởng đội QNĐN nhưng lại thường xuyên thấy ông rít thuốc ở quán cóc trên đường Ngô Gia Tự…

Lần ông rời Đà Nẵng vào Nam lập nghiệp hành trang chỉ là chiếc xe đạp mini được tỉnh thưởng khi đưa QNĐN đạt thành tích cao… Cũng chiếc xe đạp đấy ông từng đưa tôi đi vòng vèo từ quán cà phê cóc ở đường Ngô Gia Tự qua nhiều con đường đất đỏ xen lẫn các ngôi mộ để vào nhà ông chỉ để mời một ly nước trà và chứng kiến cuộc đời đạm bạc của một HLV ngang dọc một thời. Và ông cũng chỉ thở dài khi nghe các đàn em nói ông là HLV nổi tiếng nhưng nghèo nhất Việt Nam…

Bây giờ thì bóng đá QNĐN đã sang trang và gắn cái đầu SHB vào nhưng những ai yêu mến bóng đá xứ Quảng chắc chắn không bao giờ quên được nét hào hoa của bóng đá QNĐN thời Vũ Văn Tư làm điên đảo người hâm mộ cả nước một thời…

HLV Vũ Văn Tư sinh năm 1938 tại Hải Phòng và qua đời ngày 10-12-2015 tại Đà Nẵng (hưởng thọ 77 tuổi). Thời cầu thủ, ông chính thức đội trẻ Cảng Hải Phòng năm 17 tuổi và sự nghiệp cầu thủ của ông không ngừng thăng tiến ở đây trong những năm 1960. Đến với bóng đá QNĐN trong cương vị HLV từ những năm 1980, ông có công đưa đội QNĐN lên hạng và biến đội QNĐN từ một đội yếu trở nên đội bóng có cá tính và thi đấu giàu bản sắc trong đó có nhiều cầu thủ được tuyển chọn lên đội tuyển Việt Nam trong thời ông cầm quân.

Sự nghiệp cao nhất của ông là HLV đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 16-1991.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm