Trao đổi với Còi vàng Dương Văn Hiền: “Trọng tài là nghề bạc”

. Vòng đấu 13, ông bị ban huấn luyện lẫn các cầu thủ Sông Lam Nghệ An phản ứng và dọa kiện vì cho rằng ông ép đội này?

+ Làm cái nghề này buộc phải chấp nhận việc bị các đội bóng la làng và đổ vấy. Trận ấy tôi phạt Xuân Thắng thẻ vàng thứ hai do lỗi dùng tay chơi bóng. Ban huấn luyện Sông Lam ngồi quá xa không quan sát được nhưng vẫn đùng đùng làm dữ. Tan trận, tôi hỏi thẳng Xuân Thắng bóng có chạm tay không và cầu thủ này gật đầu. Có chút an ủi cho tôi là sau đó ông giám đốc điều hành Sông Lam điện thoại xin lỗi.

Còi vàng Dương Văn Hiền và những hình ảnh là nỗi đau của trọng tài. Ảnh: XUÂN HUY
Còi vàng Dương Văn Hiền và những hình ảnh là nỗi đau của trọng tài. Ảnh: XUÂN HUY

. Nhưng thực sự rất dễ nhận thấy mối quan hệ giữa trọng tài và các đội bóng là không tốt?

+ Bóng đá mình nhiều CLB hay có bệnh đổ thừa. Nhiều đội bóng thua hay đổ cho trọng tài mà không ai dám trung thực thừa nhận chuyên môn mình yếu. Đấy là căn bệnh thâm căn cố đế mà chưa có thuốc chữa. Từ đó, họ hay nghi kỵ giới trọng tài và dẫn đến rất khó nói chuyện với nhau.

. Các đội bóng kêu ca nhiều thì trọng tài cũng phải nhìn lại mình chứ? Như HLV Lư Đình Tuấn than thở: “Trọng tài cần có lương tâm” và trận TP.HCM thua Đà Nẵng một phần do tiếng còi của trọng tài?

+ Tôi không bào chữa cho anh em gì hết, chỉ muốn các đội bóng nhìn nhận trọng tài cũng là con người và sai sót trong nhận định sẽ thông cảm hơn. Nói thật, sau vụ hàng loạt trọng tài phải ngồi tù thì tôi đố các trọng tài sau này dám cầm đồng tiền đen.

. Vẫn tồn tại một thực tế là các trọng tài Việt Nam đôi khi không thân thiện với cầu thủ cùng gương mặt hình sự khi rút thẻ?

+ Tôi thừa nhận các trọng tài có khi căng thẳng quá dễ sinh ra nóng nảy và cáu gắt. Thế nhưng nếu soi kỹ, anh thấy các cầu thủ quốc tế khi phạm lỗi bị phạt thường không phản ứng hoặc phản ứng rất ít. Còn ở ta, đúng sai gì chưa biết, cầu thủ cứ phản ứng mạnh cái đã. Nó gây nên nhiều hiệu ứng ngược. Nguy hiểm hơn, việc các cầu thủ hay làm dữ với trọng tài còn là mồi lửa cho khán giả quậy theo. Năm ngoái, tôi làm trận Thanh Hóa - Sông Lam Nghệ An đúng rành rành ra đấy mà còn bị dọa giết. Nghề này bạc bẽo lắm, cứ như làm dâu trăm họ vậy!

. Sau 13 vòng đấu, các trọng tài đã rút ra 416 thẻ vàng, 28 thẻ đỏ. Quá nhiều trong khi “vua” vẫn chưa được coi trọng?

+ Thẻ phạt tăng vọt theo tôi là cầu thủ mình hay phạm lỗi không đáng có chứ không phải nhiều lỗi hành vi thô bạo. Chẳng hạn, các cầu thủ hay tranh cãi với trọng tài, không nghe theo hiệu lệnh còi, câu giờ hoặc ngăn cản bóng vào cuộc...

. Trọng tài quốc gia có năng lực còn thiếu nhiều, trong khi vẫn có trọng tài trẻ và giỏi như Xuân Hòa, Ngọc Tuấn xin nghỉ vì chịu không nổi áp lực. Chưa kể đến thu nhập nữa?

+ Đúng là Hòa chịu áp lực từ nhiều phía nặng nề quá (trận Đà Nẵng - Đồng Tâm Long An năm ngoái - PV). Trọng tài mà buộc phải thay đổi quyết định của mình ngay cả trên thế giới là hy hữu rồi. Với Tuấn thì tôi biết em nghỉ do công việc thôi chứ nó vẫn còn đam mê nghề lắm. Anh thấy không, cái nghề khó thế mà thu nhập bắt chính mỗi trận có 1,5 triệu đồng, làm trợ lý thì một triệu đồng. Tôi may mắn còn dạy thể dục ở các trường đại học chứ nhiều anh em khác khó khăn lắm. Thu nhập của trọng tài là một sự bất hợp lý và chúng tôi nhiều lần lên tiếng nhưng VFF cứ bảo từ từ.

. Xin cảm ơn ông.

“Cầu thủ nào “nằm”, tôi biết hết”

Cầu thủ nào đá bóng mà “nằm” là tôi biết ngay và tôi từng gặp nhiều lần rồi. Tôi không bàn về chuyện họ làm vì tiền hay vì cái gì nhưng làm bậy rồi tìm cớ phản ứng hoặc đổ lỗi cho trọng tài thiên vị. Thế là chúng tôi mắc phải bao nhiêu điều tiếng. Nói thật, các trọng tài đã dấn thân vào nghề này thì phải đam mê lắm mới trụ nổi và cũng buộc phải chấp nhận tai nạn nghề nghiệp thế thôi.

CÔNG TUẤN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm