Từ bia Sapporo đến cao su Yokohama

Điều đấy có khác gì với sự kiện cầu thủ Tuấn Anh của HA Gia Lai sang Yokohama làm mọi người liên tưởng đến… vỏ xe.

Yokohama có sở hữu công ty cao su nổi tiếng Yokohama Rubber… Trong khi đó với các ngành mũi nhọn của bầu Đức thì cao su là một trong những ngành hàng mạnh của Tập đoàn HA Gia Lai. Trong thời gian qua, ngành sản xuất cao su trên thế giới đang gặp khó vì cao su thô rớt giá nên dễ gì tìm được đối tác chiến lược lớn. Và những người nhanh nhạy về bài toán kinh tế đã liên tưởng ngay đến buổi lễ ký kết ghi nhớ việc Tuấn Anh sang Yokohama đá một năm cho CLB này cũng là lễ ký hợp tác chiến lược giữa hai đơn vị HA Gia Lai và Yokohama.

Trong buổi lễ đấy, bầu Đức chỉ nhắc đến chuyện banh bóng, chuyện cầu thủ của mình sẽ có cơ hội khoác áo Yokohama thi đấu 70% số trận chứ hoàn toàn không tiết lộ “mục tiêu” của hai đối tác này là gì, chiến lược ra sao.

Nhưng rõ ràng cao su của bầu Đức mà tìm được đối tác là nhà sản xuất vỏ xe Yokohama thì đúng là một đối tác chiến lược.

Tuấn Anh khoác áo Yokohama chỉ là một phần trong chiến lược lớn của hai ông chủ. Ảnh: H.DỊU

Các đối tác trong bóng đá bây giờ khi hợp tác với nhau thì thường “bánh đúc trao đi, bánh quy trao lại”. Năm ngoái khi Chelsea hết hợp đồng với Samsung, lập tức Yokohama Tires (vỏ xe Yokohama) nhảy vào chiếm ngực áo Chelsea, cùng với đó là Chelsea ký một hợp đồng với tuyển thủ trẻ của Nhật.

Vỏ xe Yokohama hay bia Sapporo cũng đã có mặt tại Việt Nam sớm hơn ngày Công Vinh sang đầu quân cho đội bóng vùng Hokkaido có hãng bia Sapporo, hay Tuấn Anh sang Yokohama nhưng sau những sự kiện đình đám này thì rõ ràng các thương hiệu của Nhật được biết đến nhiều hơn, người tiêu dùng chú ý hơn. Thậm chí có khi vọt lên thành nhà phân phối lớn tại Việt Nam.

Đằng sau bản hợp đồng bóng đá có khi lại là một hợp đồng kinh tế còn hoành tráng hơn. Nhưng dù sao thì trước mắt vẫn có lợi cho bóng đá Việt Nam, cho các cầu thủ Việt Nam vừa “du học”, vừa thi đấu và vừa cập nhật những tinh hoa từ đất nước mặt trời mọc mà sắp tới sẽ là Công Phượng “du học”.

Tuấn Anh khác Công Vinh

Khác ở đây không phải là vị trí và đội bóng đầu quân mà khác cả cái cách đầu quân nữa. Công Vinh đến với Sapporo tưởng là chuyện cá nhân của Vinh với Sapporo nhưng thực chất thì phía SL Nghệ An (khi ấy đang gần đến ngôi vô địch và Công Vinh đang ngấp nghé với bàn thắng đi vào kỷ lục của bóng đá Việt Nam) cũng được “phần” không nhỏ trong việc để Công Vinh “nhổ ra” đi nước ngoài thi đấu nửa mùa. Và Vinh theo tập đủ với Sapporo nhưng không thi đấu thường xuyên.

Trong khi đó Tuấn Anh lại không chỉ đơn thuần là chuyện banh bóng mà Tuấn Anh khoác áo Yokohama rồi cầu thủ Yokohama qua khoác áo HA Gia Lai. Tính “chiến lược” của HA Gia Lai gắn với Yokohama cao hơn và có trọng điểm hơn là chỉ mang tính hợp đồng cho mượn cầu thủ như SL Nghệ An và Sapporo trước đây.

Nếu Công Vinh đến Sapporo chỉ là một phần cho việc thực hiện chiến dịch quảng bá của Sapporo thì Tuấn Anh lại là một phần nhỏ của chiến lược lớn của hai ông chủ Việt-Nhật.

NG.HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm