Ứng xử với thầy ngoại

Đó là chuyện 11 năm trước ở Tiger Cup 1996 tại Singapore. Hồi đấy, trước khi ông Weigang dẫn đội đi đá Tiger Cup 1996 thì ở nhà, thường vụ VFF đã biểu quyết việc đơn phương cắt hợp đồng ông Weigang sau giải đấu ấy.

Đoạt huy chương, ban chấp hành chết lặng

Các trận đấu ở sân Jurong rồi National bên đất Sing khi ấy có đầy đủ các quan chức của ban chấp hành. Một chuyến du lịch đúng nghĩa sau một mùa ăn nên làm ra và có nhiều tài trợ nên VFF tự thưởng cho các thành viên. Tuy nhiên, tất cả các thành viên của VFF khi ấy đi với tư tưởng xem ông Weigang và đội tuyển thua như thế nào để “chém tướng”. Đấy là lý do một trợ lý của ông Weigang hồi đấy sẵn sàng mắng ông HLV trưởng người Đức là “Ông chỉ là người làm thuê”.

Giải đấu ấy, các cầu thủ than phiền ban huấn luyện sáng ra gặp nhau thì “Good morning” nhưng bắt tay vào việc thì chửi nhau nặng nề. Đấy cũng là giải đấu mà không ít cầu thủ ngửi được mùi nội bộ xào xáo và chuẩn bị chém tướng nên đã làm độ trong trận Việt Nam suýt thua Lào. Hiểu được vấn đề đấy, ông Weigang làm dữ, chỉ mặt từng cầu thủ bán độ và đòi đuổi về nước. Đấy cũng là cú vỗ mặt các quan chức VFF mà ông Weigang làm gắt để khẳng định cầu thủ bán độ chứ không phải ông kém năng lực.

Sau lần chỉ mặt cầu thủ làm mạnh ấy, Việt Nam thắng đậm Myanmar vào bán kết, rồi đoạt HCĐ sau khi đánh bại Indonesia trên sân National.

Cả ban chấp hành VFF khi ấy chết lặng khi ông Weigang cùng đội bóng đoạt HCĐ và trở về trong vinh quang vì kế hoạch trảm tướng xem như gãy. Bằng chứng là khi trả lời báo giới sau đó, ông tổng thư ký VFF khi ấy là Trần Bảy đã nói: “... Éo le thay đội Việt Nam đoạt HCĐ nên ông Weigang vẫn ngồi trên chiếc ghế ấy”.

Ông Weigang cùng các cầu thủ bán độ trở thành người hùng trong vòng tay người hâm mộ, trong khi các quan chức thì tức ra mặt.

11 năm sau, ban chấp hành đi xem... thua

11 năm sau lại ở hoàn cảnh khác. Ông Riedl biết chắc đây là SEA Games cuối của mình và đã tính chuyện tìm việc từ nửa năm trước. Ông Riedl mượn hình ảnh đội Việt Nam để “tiếp thị” mình ở các trận đấu với những đối thủ vùng Vịnh. Thành công ở Asian Cup, khi được UAE phỏng vấn ông Riedl cũng đánh tiếng mình muốn làm việc ở vùng Vịnh sau khi thôi hợp đồng với bóng đá Việt Nam.

Ông Riedl là một HLV chuyên nghiệp nên ông không thể không biết nếu cầu thủ vắt sức và dồn phong độ vào sân chơi này thì không thể đạt thành tích cao ở sân chơi khác nhưng ông vì cái riêng của mình đã bất chấp tất cả. Ông vắt cầu thủ Việt Nam đến kiệt sức ở vòng loại World Cup và Olympic Bắc Kinh, đặc biệt trong những trận đấu với các đối thủ vùng Vịnh. Ông bỏ qua lời than mệt và xin không ra sân của cầu thủ. Tiếc là những người bên cạnh ông và quản lý ông ở đội tuyển cũng thấy và cũng biết điều ấy nhưng không dám nêu chính kiến.

Nếu 11 năm trước việc đối đầu với ông Weigang là kiểu ứng xử của trợ lý được VFF bật đèn xanh về số phận ông Weigang sau giải thì phản ứng của các trợ lý HLV Riedl vừa qua lại là sự vo tròn trong một vỏ bọc vì sợ nó ảnh hưởng đến chiếc ghế của mình. Ngay cả những lãnh đạo đại diện VFF được cử theo đội cũng thế. Họ tô hồng một đội bóng đuối sức ở nhiều sân chơi và bỏ qua rất nhiều yếu tố chuyên môn mà nói như chuyên gia Trần Duy Long là xem họ tập có thể biết được nền tảng của họ.

Đã thế, việc kiểm tra y học đã được bỏ qua và những khuyến cáo về nhịp sinh học, về việc thích nghi với giờ đấu buổi trưa đã bị bỏ qua.

Thế là gãy toàn bộ và cầu thủ càng đá càng yếu cho đến lúc mệt cả về sức lẫn tinh thần trong trận tranh HCĐ với Singapore.

Tệ ở chỗ ban chấp hành đi du lịch xem đội đá nhiều người đã không nhìn ra và cứ ảo tưởng với việc cầu thủ mình khỏe như ở Asian Cup.

Với hai cách ứng xử ấy cho thấy 11 năm qua, bộ máy điều hành của VFF chuyển từ thái cực “đấu” để phá thầy ngoại (1996) sang nhu nhược và vô cảm. Ông Riedl lo cho riêng ông ấy khi sắp hết hợp đồng đã đành, các thành viên người Việt gắn với đội bóng, từ ông trưởng đoàn đến các trợ lý người Việt cũng không có những phản ứng cần thiết để điều tiết.

Bây giờ trách nhiệm đổ hết lên ông Riedl (đã về nước) liệu có công bằng?

Hội đồng không đồng hội

Chủ tịch Hội đồng huấn luyện quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển và cấp phó Trần Văn Phúc ngày 21-12 đã được VFF mời tham gia cuộc mổ xẻ nguyên nhân thất bại của bóng đá Việt Nam. Hóa ra khi gặp tai nạn, người ta mới chợt nhớ đến cái hội đồng lâu nay chỉ tồn tại trên giấy suốt ba nhiệm kỳ qua.

Thế nên ông Trần Văn Phúc mới bực bội trách móc VFF dựng lên một cái hội đồng nhưng chẳng ngó ngàng gì tới để đến khi có chuyện lại lôi ra đòi mổ xẻ. Ông Phúc còn nói thẳng VFF sẵn sàng chi cho các ủy viên ban chấp hành đi Thái xem bóng đá, trong khi các thành viên của hội đồng HLV quốc gia không được đếm xỉa dù là đi để làm nhiệm vụ. Ở các quốc gia, hội đồng huấn luyện quốc gia chính là bộ phận định hướng cho bóng đá nước nhà và tính toán đến những vấn đề chiến lược, trong khi ở VFF hội đồng ấy chỉ là một cái tên đã chết.

Những người có nhiệm vụ xây dựng và định hướng cho một nền bóng đá thực chất chỉ giống như “bù nhìn” vì không ai chuyên trách và thậm chí không có nổi cái ghế để ngồi họp. Cũng có lần ông Phúc đưa ra quan điểm phải thay Riedl vì ông ấy đang bệnh nặng và hết bài dạy cầu thủ nhưng VFF chỉ nghe rồi... để đó.

Xin hỏi 13 năm qua, những con người trong cái hội đồng ấy làm gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin được phân tích cặn kẽ trong những số báo tới về cái hội đồng chưa sinh đã tử.

GIA HUY

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm