Vui buồn đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 18

Chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam ở đấu trường châu Á là ít nhất một HCV ở các môn thuộc hệ thống Olympic và tổng cộng sẽ giành 3-5 HCV. Cho nên với hai nội dung vô địch môn rowing và điền kinh cùng với hai chiếc HCV pencak silat là thành công của một kỳ á vận hội.

Với sự cố gắng, quyết tâm như lời hứa trước lúc lên đường, các thành viên của đoàn thể thao Việt Nam đã giành 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ và xếp thứ 17 trên tổng số 45 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Asiad 18.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Sức mạnh làm nên chiến thắng của chúng ta là của ý chí, quyết tâm thi đấu, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, chiến thuật hiệu quả…, không phụ niềm tin yêu của hàng triệu trái tim nồng nhiệt của người hâm mộ nước nhà”.

Có mặt trên các khán đài theo dõi các VĐV Việt Nam thi đấu mới cảm nhận hết những gian nan, nhọc nhằn của họ. Người hâm mộ đã được chứng kiến những khoảnh khắc mà các cầu thủ Olympic Việt Nam đổ gục xuống sân vì kiệt sức với lịch thi đấu dày đặc. Ở những môn thể thao này, hiểm nguy luôn có thể xảy ra đối với bất cứ VĐV nào.

Hai HCV quý giá của thể thao Việt Nam nằm trong hệ thống thi đấu Olympic: Điền kinh của Thu Thảo và đội rowing nữ.  Ảnh:  HUY PHẠM

Võ sĩ Nguyễn Minh Phụng (karatedo) đã xuất sắc giành tấm HCB của tinh thần thi đấu kiên cường và nghị lực phi thường. Hay tấm HCV của Nguyễn Văn Trí (pencak silat) phải đánh đổi bằng máu khi lội ngược dòng ngoạn mục,... và còn rất nhiều những gương mặt khác lặng lẽ cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo.

Bên cạnh những niềm hạnh phúc vô biên sau thành quả xứng đáng từ chuỗi ngày dài khổ luyện, cũng có nhiều giọt nước mắt tiếc nuối của các VĐV chưa vượt qua chính mình. Kình ngư trẻ Ánh Viên đã khóc sau phần thi đấu 400 m cá nhân hỗn hợp, những giọt nước mắt tức tưởi trong nỗi buồn vì không thể mang về huy chương cho thể thao Việt Nam.

Ai cũng biết để giành huy chương ở đấu trường châu Á không phải là điều dễ dàng. Cuộc chơi này vô cùng khốc liệt, là nơi hội tụ các VĐV tài năng của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có không ít VĐV đã từng giành huy chương thế giới

Chia sẻ về trường hợp của Ánh Viên, ông Hoàng Quốc Vinh, Phó Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, cho biết: “Trước khi bước vào thi đấu, sức khỏe của Ánh Viên không được tốt. Tại Asiad 2018, giữa các đối thủ mạnh của châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Ánh Viên đã nỗ lực thi đấu rất nhiều”.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn thở phào: “Đây là một kỳ đại hội thể thao thành công của thể thao Việt Nam nhờ sự nỗ lực của các VĐV. Các em đã thi đấu hết mình để giành vinh quang cho Tổ quốc”.

Asiad 18 đã kết thúc để lại nhiều niềm vui, nỗi buồn và đôi khi cả sự tiếc nuối. Đây là bước đệm cho ngành TDTT có cái nhìn tổng quát hơn về những VĐV, những môn thể thao trọng điểm để từ đó có những kế hoạch hợp lý bước vào chuẩn bị cho những chặng đường dài, trước mắt là thế vận hội Tokyo 2020.

Vinh danh điền kinh

Cô gái Bùi Thị Thu Thảo (môn nhảy xa) đã xuất sắc giành HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở đấu trường châu lục. Ngoài ra, điền kinh Việt Nam còn giành được một HCB ở nội dung 400 m nữ của Quách Thị Lan, ba HCĐ ở các nội dung nhảy ba bước (Vũ Thị Mến), tiếp sức 4x 400 m (Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc), 3.000 m (Nguyễn Thị Oanh). Thành tích của đội tuyển điền kinh đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm