Vượt qua sự cấm kỵ

Lệnh cấm triệt để bắt đầu từ cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ chế độ quân chủ, đưa Iran trở lại chế độ giáo quyền áp dụng luật Hồi giáo nặng nề. Mãi đến năm 1993, đất nước hòa bình tạm ổn định trở lại, những nhà thể thao bèn tìm cách lách luật để đưa bóng đá nữ bằng bạn bằng bè bằng con đường... futsal (bóng đá trong nhà thi đấu năm người).

Vai trò tiên phong đáng kể nhất là các trường đại học với việc hình thành một giải bóng đá nữ đầu tiên kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo với 10 đội bóng nữ của 10 trường đại học góp mặt.

Năm 1997, Ủy ban bóng đá trong nhà được thành lập để rồi bốn năm sau, giải vô địch sinh viên nữ toàn Iran đầu tiên được tổ chức gồm 12 đội.

Đến năm 2005, “phong trào” lấn sân sang việc mời các đội bóng đá nữ nước ngoài đến thi đấu. Từ đấy, bóng đá nữ Iran “mở cửa” trong nhà để bước ra sân cỏ thi đấu, tháo bỏ những điều cấm kỵ.

Từ 2006 thì bóng đá nữ Iran bắt đầu được ra nước ngoài thi đấu. Không những thế, tại quốc gia này còn trình làng cả trọng tài nữ và HLV nữ...

Tuy mang tiếng là có đội tuyển nữ và đội bóng ra nước ngoài nhưng các cầu thủ đều phải tuân thủ vòng kiểm soát nghiêm ngặt của nhà nước với một số nguyên tắc bất di bất dịch: ra sân phải đội khăn trùm đầu (được thiết kế khá đẹp và chặt như một chiếc mũ quấn dài xuống cổ), áo dài tay và quần dài (cả đội nước ngoài đến đá cũng phải trang phục... nhập gia tùy tục như thế!). Đồng thời khi xuất ngoại thì chỉ được thi đấu giải ở các nước Hồi giáo mà thôi...

Tuy nhiên, con đường bóng đá nữ Iran đến nay vẫn chưa hoàn toàn thông suốt bởi còn tùy thuộc cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng bảo thủ - cấp tiến, tôn giáo - thế tục trong nước. Do đó năm 2005, Tổng thống Ahmadinehjad ra lệnh hủy bỏ lệnh cấm khán giả nữ vào sân xem bóng đá nam thì sau đó Giáo chủ tối cao Khamenei lại yêu cầu... chưa bỏ! Rồi trận CLB Berlin mời đội tuyển Iran nữ qua Đức đá đáp lễ hồi giữa năm 2007 giờ chót bị chính phía Iran... hoãn lại vì... lý do kỹ thuật.

Thời gian gần đây, bóng đá nữ Iran bắt đầu có tiếng vang trên đấu trường khu vực với chức vô địch Đại hội thể thao Tây Á 2006. Mới nhất là hồi đầu năm nay đã giành chức á quân Tây Á trong giải thi đấu tại Jordan với kết quả đè bẹp Syria 13-0, Lebanon 3-0, rồi vào chung kết thua chủ nhà 1-2.

Các cầu thủ nữ Iran sau khi vượt qua những điều cấm kỵ giờ đã sánh với nhiều đội nữ hùng mạnh, được các CLB châu Âu rất thích và xem đấy là vùng đất tài năng với nhiều cầu thủ trẻ và triển vọng.

Cũng đã có nhiều giả thiết được đặt ra rằng nếu những cầu thủ nữ Iran bỏ được khăn trùm đầu và “sòng phẳng” như các đội nữ châu Âu, lẫn bỏ “luật nhập gia tùy tục” thì có thể chẳng bao lâu nữa châu Á sẽ có nhà vô địch thế giới...

Trung Quốc từng nổi tiếng với “đạo quân Ma” gây sửng sốt cho làng thể thao thế giới. Bóng đá nữ Trung Quốc cũng sánh ngang với các cường quốc châu Âu bởi bí ẩn của hai “thuật sĩ Ma” trong đội nữ quốc gia. Mời các bạn đón đọc kỳ 3 trong số báo ngày mai (19-9).

TAM GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm